Các nhà địa chất Trung Quốc ước tính mỏ khai khoáng này có trị giá gần 60 tỷ USD với trữ lượng lớn vàng, bạc và nhiều quặng quý hiếm khác. Trong nhiều năm, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư khá nhiều vào hạ tầng tại khu vực này phục vụ cho việc khai thác.
Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn lời một số nhà quan sát cho rằng việc Trung Quốc tự nhận nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực còn tranh chấp, đồng thời vội vã xây dựng cơ sở hạ tầng để khai thác cho thấy khu vực ở Himalaya đang có xu hướng trở thành một nơi tranh chấp nóng bỏng.
Hầu hết nguồn khoáng sản quý này đều nằm tại huyện Lhunze, nơi Trung Quốc giành từ tay Ấn Độ cách đây 60 năm.
Chỉ trong vài năm gần đây, khu vực xa xôi với chỉ 30.000 dân này đang trở thành trung tâm khai thác mỏ “bùng nổ”. Mạng lưới điện và thông tin liên lạc được mở rộng, trong khi một sân bay dành cho phi cơ thương mại đang được thi công.
Giáo sư Zheng Youye tại Đạ Học Khoa học Địa chất Trung Quốc nhận định rằng nguồn quặng mới có thể thay đổi cân bằng quyền lực giữa Bắc Kinh và New Delhi tại Himalaya.
Ngoài ra, việc khai khoáng có thể khiến số người dân Trung Quốc hiện diện tại Himalaya tăng mạnh.
Trải dài qua lãnh thổ 5 quốc gia, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan, Bhutan, Nepal và Trung Quốc, dãy Himalaya từng chứng kiến nhiều cuộc xung đột liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.
Sau nhiều bạo lực xảy ra tại khu vực biên giới, vào mùa hè năm 1962, quân đội Trung Quốc đã tấn công một cơ sở quân sự của Ấn Độ tại làng Longju, phía đông Lhunze khiến nhiều binh sĩ thiệt mạng. Nhiều ngày sau đó, Trung Quốc đẩy quân đội Ấn Độ ra khỏi Lhunze và kiểm soát khu vực này.
Những năm tiếp theo, xung đột tại khu vực biên giới khiến nhiều binh sĩ thiệt mạng, diễn biến này kết thúc khi Trung Quốc tuyên bố ngừng bắn và rút khỏi Nam Tây Tạng cũng như một số khu vực tranh chấp khác. Trong nhiều thập niên gần đây, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa dàn xếp tranh chấp liên quan đến lãnh thổ.