Theo Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Hán Huy, các cuộc xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ và bóng ma của các cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ có thể trở thành một chủ đề quan trọng cho các cuộc đàm phán giữa hai nước cùng bị Washington "bắt nạt".
"Chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chủ nghĩa đơn phương đang gia tăng. Làm thế nào để đối phó với các hành vi bắt nạt của Mỹ, trong đó có hoạt động bảo hộ thương mại là một câu hỏi quan trọng", ông Trương nói.
Tuyên bố được đưa ra trước hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), sẽ khai mạc tại Thủ đô Bishkek, Kyrgyzstan cuối tuần này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề sự kiện.
Quan chức ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh các nguyên thủ quốc gia sẽ đạt được sự hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề bảo vệ công lý và chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại trong thương mại toàn cầu. Hơn nữa, ông Trương bày tỏ hy vọng các quốc gia láng giềng sẽ nhất trí về hợp tác thương mại song phương.
Trung Quốc, vốn bị lôi vào cuộc tranh chấp thương mại chưa hồi kết với Mỹ, đang phải tìm kiếm các đối tác mới. Cho đến nay, Nhà Trắng đã áp đặt hàng trăm tỷ USD thuế quan với Trung Quốc, và Bắc Kinh đáp trả theo cách đối ứng. Cuộc chiến thương mại chứng kiến một sự leo thang khác sau khi Mỹ tăng cường nỗ lực buộc gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei ra khỏi thị trường Mỹ và châu Âu.
Các cuộc tấn công mới nhất của Mỹ vào các đối tác thương mại lâu đời có tác động tiêu cực đáng kể đến mối quan hệ của Washington với New Delhi. Năm 2018, Mỹ đánh thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ Ấn Độ. Đầu tháng 6, nước này chính thức bị loại khỏi Hệ thống ưu đãi tổng quát, một thỏa thuận nhập khẩu miễn thuế, theo đó họ được phép xuất khẩu hàng hóa trị giá hơn 5 tỷ USD sang thị trường Mỹ mỗi năm.
Ngoài ra, chính quyền Mỹ buộc Ấn Độ ngừng mua dầu từ Iran và Venezuela, và yêu cầu họ hủy bỏ thỏa thuận hệ thống phòng không S-400 với Nga.