Trung Quốc đang "để mắt" tới tuyến hàng hải qua Bắc Cực. Ảnh: RT
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin rằng trong kế hoạch 5 năm, Trung Quốc đề cập “sẽ tham gia vào hợp tác thực tế tại Bắc Cực” và “nâng cao năng lực của nước này trong tham gia bảo vệ và khai thác Nam Cực”.
Trung Quốc còn “để mắt” đến những nguồn khoáng chất dồi dào và tuyến đường biển tiềm năng mới tại vùng Bắc Cực hình thành do tình trạng nhiệt độ tăng khiến băng tan.
Bắc Kinh năm 2018 từng công bố Sách Trắng nhấn mạnh kế hoạch tạo tuyến đường biển nối châu Á và châu Âu qua Đông Bắc, Tây Bắc và hành lang trung tâm của Bắc Cực.
Vào cuối năm 2020, Trung Quốc cũng thông báo kế hoạch phóng vệ tinh mới để theo dõi các tuyến đường biển và giám sát thay đổi trong băng tại Bắc Cực. Trung Quốc dự kiến phóng vệ tinh này trong năm 2022.
Trong những năm qua, Bắc Kinh đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu tại Bắc Cực. Trung Quốc tự nhận là “quốc gia gần Bắc Cực” và có tham vọng tiếp cận nhiều hơn nguồn tài nguyên còn ẩn mình ở khu vực này. Năm 2017, Bắc Kinh tự coi tuyến đường biển Bắc Cực nằm trong “Sáng kiến Vành đai, Con đường”.
Năm 2013, Trung Quốc từng giành được vị trí quan sát viên trong Hội đồng Bắc Cực. Hội đồng Bắc Cực được thành lập từ năm 1996 bao gồm 8 quốc gia có đường biên giới với Bắc Cực là Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Nga, Mỹ, Iceland và Na Uy.