Nghị viện châu Âu dự kiến thông qua kiến nghị thúc đẩy chính thức đóng băng thỏa thuận đầu tư của EU với Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Dự thảo cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tăng cường phối hợp với Mỹ để đối phó với Trung Quốc. Bên cạnh đó, dự thảo nhấn mạnh rằng các giao dịch thương mại với Đài Loan "không nên bị giữ làm con tin" bởi thỏa thuận với Bắc Kinh.
Theo dự thảo, nghị viện sẽ bỏ phiếu để thúc đẩy việc đóng băng bất kỳ quá trình xem xét nào đối với Thỏa thuận đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc, cũng như bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc phê chuẩn của nghị viện châu Âu vì các lệnh trừng phạt của Trung Quốc.
Nếu dự thảo được thông qua, cuộc bỏ phiếu sẽ giáng một đòn mạnh vào những kỳ vọng ban đầu cho rằng thỏa thuận đầu tư có thể đi vào quá trình phê chuẩn trong vài tháng tới. Thỏa thuận này đã mất 7 năm để thực hiện nhằm mở cửa thị trường Trung Quốc.
Trước đó, Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 5 thành viên nghị viện châu Âu sau khi 27 quốc gia EU thông qua các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 18-5 đã ra thời hạn 2 tuần cho các nhà đầu tư mua hoặc bán chứng khoán tại một số công ty bị cho là có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Cụ thể, Bộ Tài chính Mỹ cho biết các nhà đầu tư có thời hạn đến 9 giờ 30 phút (giờ địa phương) vào ngày 11-6 để khẩn trương hoàn tất các giao dịch, kéo dài so với hạn chót vào ngày 27-5 được đưa ra trước đó.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Biden cho biết Nhà Trắng quan tâm sâu sắc đến vấn đề này và việc gia hạn thêm hai tuần sẽ cho phép giải quyết tồn đọng trong sắc lệnh được ban hành dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump, vốn bị cho là được soạn thảo và thực hiện một cách "bất cẩn".
Quan chức này nói rằng các chính sách mới, sau khi hoàn tất, sẽ "tăng cường khả năng của chính quyền Washington trong việc ngăn cấm đầu tư của Mỹ vào các công ty bị nghi liên quan đến quân sự, tình báo và an ninh Trung Quốc. Hiện có ít nhất 8 công ty Trung Quốc chịu những hạn chế nói trên từ Mỹ.