Khi James Chen và Subrina Huang lần đầu được nghe thông tin về việc Chính phủ Trung Quốc đã quyết định sẽ chấm dứt chính sách chỉ cho phép sinh 1 con vốn đã kéo dài suốt nhiều thập niên vừa qua và chấp thuận việc các cặp vợ chồng sinh con thứ hai vào năm 2015, cặp đôi này đã rất hào hứng.
James Chen, 35 tuổi, cho biết khi đó đã ngay lập tức nghĩ đến việc sinh con thứ hai, và hy vọng rằng đó sẽ là một đứa con trai như vẫn mong ước. James Chen và Subrina Huang khi đó có thể xem là đại diện cho hàng triệu gia đình ở Trung Quốc với mong ước có thể có thêm một đứa con thứ hai sau rất nhiều năm chờ đợi.
Nhưng giờ đây mong ước đó có vẻ như đã ngày càng xa vời. Hai vợ chồng James Chen đã phải dành một khoản tiền lên đến khoảng 20.000 nhân dân tệ (tương đương gần 3.200 USD) mỗi năm chỉ tính riêng cho các lớp ngoại khóa (bao gồm tiếng Anh và khiêu vũ) cho cô cón gái đầu lòng 6 tuổi của họ, chưa tính tới các chi phí khác cũng gần tương đương cho việc giáo dục ở trường học.
Vấn đề kế tiếp là nhà ở. Subrina Huang, 33 tuổi, có một công việc thu nhập khoảng 5.000 nhân dân tệ một tháng (khoảng 800 USD), cho biết nếu sinh con thứ hai nhiều khả năng họ sẽ phải tìm một nơi ở khác có chi phí thấp hơn đáng kể.
Và kể cả như vậy đi nữa thì tình hình cũng trở nên ảm đạm hơn rất nhiều, khi theo thống kê thì chi phí tài sản trung bình ở các thành phố Trung Quốc bằng khoảng 91 lần mức lương trung bình sau khi đã nộp thuế (trong khi ở New York con số này chỉ là khoảng 25 lần).
Chồng của Huang, James Chen, người hiện có mức lương khoảng 6.000 nhân dân tệ mỗi tháng (gần 1.000 USD), cho biết: "Chi phí nuôi dưỡng và giáo dục một đứa trẻ giờ đây là điều không dễ chút nào. Tôi gần như đã không còn tưởng tượng đến việc sẽ sinh thêm đứa con thứ hai."
Những cặp vợ chồng như Chen và Huang không phải là số ít trong xã hội Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. Phát biểu tại Bắc Kinh vào ngày 5.2 vừa qua, Yang Wenzhuang, một quan chức thuộc Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình (Bộ Y tế), cho biết có tới 4/5 các cặp vợ chồng Trung Quốc nói rằng sức ép tài chính là lý do hàng đầu ngăn cản việc họ sinh con thứ hai.
Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ các cặp vợ chồng sinh con thứ hai trong năm đầu tiên nới lỏng chính sách (2016) lên tới 7,9%, nhưng đã ngay lập tức giảm xuống chỉ còn 3,5% trong năm 2017.
Anke Schrader, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kinh tế Trung Quốc, cho biết: "Khi thay đổi một chính sách đặc biệt là về kế hoạch hóa gia đình, mọi thứ sẽ có xu hướng tăng lên, nhưng điều đó không có nghĩa là mức tăng đó sẽ bền vững. Gánh nặng tài chính trong việc nuôi con ở Trung Quốc đang trở nên quá lớn."
Điều này đặc biệt đúng tại các thành phố ở Trung Quốc, trong đó chi phí giáo dục trẻ em chiếm tới 14,3% tổng chi tiêu của các hộ gia đình - theo nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh. Hiện tại, tỷ lệ sinh ở những thành phố đắt đỏ nhất như Thượng Hải và Bắc Kinh đã giảm xuống mức thấp nhất, thậm chí là thấp nhất thế giới.
Tình hình dù khả quan hơn ở khu vực nông thôn, khi tỷ lệ sinh con của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đạt 1,6, thì tính chung tỷ lệ sinh của cả xã hội Trung Quốc thậm chí còn đang thấp hơn cả Nga và ngang bằng với Canada - các quốc gia thuộc nhóm có tỷ lệ sinh thấp trên thế giới.
Điều này đang thực sự đe dọa đối với dân số Trung Quốc, khi theo dự báo dân số nước này sẽ đạt đỉnh 1,45 tỉ người vào khoảng năm 2030 trước khi giảm xuống chỉ còn 1 tỉ vào cuối thế kỷ 21.
Điều này cũng đồng nghĩa với một thất bại của Chính phủ Trung Quốc trong việc tháo gỡ quả bom nhân khẩu học của nước này trong tương lai. Vào ngày 7.2 vừa qua, tờ báo nhà nước là China Daily đã có một bài viết đáng chú ý: "Ngày càng có nhiều mối quan ngại rằng đất nước đang sắp phải đối mặt với một quả bom nhân khẩu học, bởi vì trong những thập niên tới số người trẻ tuổi sẽ giảm xuống đáng kể.
Theo thống kê dân số trong độ tuổi lao động từ 16 đến 59 của Trung Quốc cách đây chừng 1 thập niên là khoảng 902 triệu người. Nhưng nó đã bắt đầu sụt giảm từ năm 2012 và giảm tới 5 triệu trong năm 2017. Tính từ thời điểm 2025, cứ mỗi năm Trung Quốc sẽ có khoảng 7 triệu người nghỉ hưu.
Điều này sẽ gây áp lực đáng kể đối với các chương trình phúc lợi xã hội vốn yếu kém và ít ỏi của Trung Quốc, và người lao động sẽ ngày càng chịu gánh nặng đáng kể để hỗ trợ cha mẹ cao tuổi của họ nhiều hơn."
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang xem xét các đề xuất giảm thuế cho các gia đình trẻ nhiều hơn và hạ thấp độ tuổi kết hôn hợp pháp xuống còn 18 (so với mức 20 và 22 với phụ nữ và nam giới hiện nay), nhưng có vẻ như đã không được thực hiện.
Mọi hy vọng đang được đặt vào kỳ họp Quốc hội bắt đầu vào tháng 3 tới đây, khi vấn đề giảm thuế hay trợ cấp trực tiếp cho các gia đình có con thứ hai sẽ được xem xét. Bộ Y tế Trung Quốc mới đây cũng đã công bố một chương trình đầy tham vọng với việc bổ sung khoảng 89.000 giường tại các bệnh viện và khoảng 140.000 bác sĩ phụ sản và hộ sinh cho tới năm 2020. Thị trưởng Bắc Kinh Chen Jining mới đây cũng công bố kế hoạch bổ sung và xây mới thêm khoảng 30.000 trường mầm non.
Tuy nhiên, tất cả có vẻ như vẫn là chưa đủ để đảo ngược xu hướng giảm tỷ lệ sinh ở Trung Quốc. Thực tế là trước đó, Trung Quốc đã có khá nhiều các chính sách khá hào phóng để hỗ trợ các gia đình sinh con thứ hai, bao gồm khoảng 5 tháng nghỉ sau khi sinh vẫn được hưởng lương, nhưng nó không có nhiều tác dụng.
Một phần lý do thuộc về sự phát triển của xã hội. Gan Li, nhà kinh tế học thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam ở Thành Đô, cho biết khi xã hội phát triển hơn dẫn đến các cá nhân có mức học vấn cao hơn thì điều tất yếu là việc sinh con sẽ không còn được chú trọng như trước.
Các cặp vợ chồng sẽ có hướng tập trung vào sự nghiệp hơn là vào việc sinh nhiều con như truyền thống cổ súy. Gan Li cho biết: "Mức thu nhập bình quân đầu người ở các thành phố Trung Quốc hiện tại đã khá cao, và việc sinh ít con sẽ là một xu hướng không thể đảo ngược, bất kể sự can thiệp của chính sách đi nữa."