Tính đến đầu tháng 3, chỉ vài tuần sau khi ban lãnh đạo Trung Quốc yêu cầu các địa phương khôi phục sản xuất một cách tuần tự theo tình hình dịch Covid-19 thực tế, Quảng Tây đã khôi phục 857 trong tổng số 859 dự án hạ tầng lớn đang xây dựng, chiếm 99.8%.
Bên trong nhà máy của công ty giấy Giang Nam, nằm trong khu công nghiệp Lục Cảnh, thành phố Nam Ninh, đội ngũ nhân viên và máy móc đã trở lại vận hành sớm hơn nhiều so với các tỉnh thành khác ở Trung Quốc.
Sau khi Quảng Tây phát động "lệnh khôi phục sản xuất" vào đầu tháng 3, huyện Hoành thuộc tỉnh này là địa phương hưởng ứng tích cực, chủ động cung cấp dịch vụ hỗ trợ nhanh chóng, chuyên nghiệp và tiện lợi hơn cho các ngành nghề tái khởi động.
Tính đến đầu tháng 3, "Số lượng nhân sự khôi phục sản xuất của công ty là 120 người, chiếm tỷ lệ 90%. Hàng ngày chúng tôi đều tiến hành khử trùng tại các dây chuyền sản xuất, phát khẩu trang cho nhân viên" - người phụ trách của Công ty TNHH sản phẩm xi măng Quế Thông nằm ở huyện Hoành, ông Trần Hiểu Toàn, giới thiệu với Trí Thức Trẻ/Tổ quốc.
"Các ban ngành chính phủ đã kịp thời làm tốt công tác phòng chống dịch, hỗ trợ chúng tôi điều phối vật tư phòng dịch, giúp mọi người yên tâm lao động sản xuất."
Tiêu chí mà Quảng Tây đặt ra là tranh thủ thời gian, nâng cao hiệu suất, và bảo đảm chất lượng. Chính quyền địa phương đã ban hành loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về tài chính, cũng như hỗ trợ người lao động trở lại làm việc.
Nhằm tích cực ứng phó dịch Covid-19 và kịp thời xử lý các vấn đề nổi trội, thúc đẩy tuần hoàn kinh tế thông suốt, chính quyền Quảng Tây ngay từ ngày 7/2 đã đưa ra một gói giải pháp, trong đó đề xuất 30 biện pháp chính sách cụ thể nhằm vào các nhóm đối tượng cụ thể, với "hàm lượng" tài chính cao.
Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vật tư phòng dịch và các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng của dịch, Quảng Tây thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng, đồng thời lùi thời hạn thu các chi phí về dưỡng lão, thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động,... Thậm chí thực hiện phương án "mỗi doanh nghiệp một chính sách" nhằm giúp cơ chế hỗ trợ được thực thi chính xác và hiệu quả.
Hệ thống tài chính Quảng Tây cũng tham gia hỗ trợ đắc lực quá trình khôi phục sản xuất. Cơ quan tài chính các địa phương tiếp sức về tài chính cho doanh nghiệp thông qua gói "vay phục hồi sản xuất" lên đến 1 tỉ nhân dân tệ (hơn 141.5 triệu USD). Liên minh tín dụng nông thôn ở Quảng Tây cũng cung cấp nguồn vốn lên đến 5 tỉ tệ cho các hạng mục sản xuất vụ mùa xuân.
Trong khi các chính sách hỗ trợ đặc biệt được thực thi quyết liệt, viễn cảnh hoạt động sản xuất được khôi phục như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện được cho là đã nằm trong triển vọng tại Quảng Tây.