Trung Quốc 'hổ mọc thêm cánh' với kho báu từ sa mạc: Thu hơn 43 tỷ USD từ ngành này, thế giới rất khát!

Trang Ly |

Nhờ EALNF, Trung Quốc có thể tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực khai thác kho báu này.

Công nghệ đột phá: Đào 'vàng trắng' ở sa mạc khắc nghiệt

Đài CGTN (Trung Quốc) đưa tin ngày 23/10, một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc - Australia vừa phát triển một công nghệ đột phá, cho phép khai thác trực tiếp lithium từ những môi trường khắc nghiệt như sa mạc.

Phương pháp này được gọi là Lọc nano lỏng hỗ trợ EDTA (EALNF), nhanh hơn và bền vững hơn so với các phương pháp thông thường. Công nghệ EALNF sử dụng quy trình lọc nano liên quan đến axit ethylenediaminetetraacetic (EDTA) để chiết xuất trực tiếp và hiệu quả lithium cũng như magiê từ nước muối ở các hồ nước mặn.

Trong nghiên cứu mới, nhóm nghiên cứu từ Đại học Monash và Đại học Queensland (đều thuộc Australia) đã chứng minh phương pháp cải tiến EALNF này có thể chiết xuất hiệu quả lithium từ nước mặn ở 2 hồ của Trung Quốc là hồ băng Long Mộc (đông bắc Tây Tạng) và hồ Đông Đài (Thanh Hải).

Trung Quốc 'hổ mọc thêm cánh' với kho báu Lithium từ sa mạc: Thu hơn 43 tỷ USD từ ngành này, thế giới rất khát! - Ảnh 1.

Lithium được mệnh danh là 'vàng trắng' trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển đổi năng lượng sạch. Ảnh minh họa: Internet

Trong tự nhiên, lithium kết tụ dưới dạng nước muối. Được mệnh danh là 'vàng trắng' của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, lithium hiện nay đóng vai trò không thể thiếu trong thế giới hiện đại. 

Tầm quan trọng của kim loại màu xám bạc này bắt nguồn từ vai trò cung cấp năng lượng cho xe điện (EV) và lưu trữ năng lượng tái tạo từ các nguồn gió và Mặt trời.

Ngoài ra, lithium còn là thành phần không thể thiếu trong điện thoại di động, máy tính xách tay, các thiết bị số thông minh khác. Chưa kể, nó còn là đóng vai trò quan trọng trong sản xuất máy bay, tàu điện, áo giáp, chất làm lạnh, và cả trong y tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế đã cảnh báo rằng nguồn cung lithium toàn cầu có thể không đáp ứng đủ nhu cầu vào đầu năm 2025, khi 75% lượng nước mặn giàu lithium trên thế giới không thể khai thác bằng các phương pháp hiện tại.

Trung Quốc 'hổ mọc thêm cánh' với kho báu Lithium từ sa mạc: Thu hơn 43 tỷ USD từ ngành này, thế giới rất khát! - Ảnh 2.

Thế giới cần "cách mạng hóa" sản xuất lithium để đáp ưng nhu cầu ngày càng tăng. Ảnh: iStock/Bora030

"Công nghệ lọc nano lỏng hỗ trợ EDTA (EALNF) có thể là câu trả lời cho nhu cầu tăng cao về lithium trên quy mô toàn cầu" - Hai đồng lãnh đạo của dự án, Li Zhikao (Viện nghiên cứu Monash Tô Châu ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) và Zhang Xiwang (Đại học Queensland, Australia) cho biết.

Ông Li Zhikao cho biết công nghệ này có thể thu hồi 90% lithium từ nguồn nước muối, gần gấp đôi so với các phương pháp truyền thống và rút ngắn thời gian khai thác từ nhiều năm xuống còn vài tuần. Công nghệ này đã sẵn sàng để mở rộng từ thử nghiệm sang hoạt động công nghiệp hoàn chỉnh.

'Hổ mọc thêm cánh'

Việc Trung Quốc sáng chế ra phương pháp đột phá chiết xuất lithium từ các hồ muối mặn ở độ cao lớn được ví như 'hổ mọc thêm cánh', bởi trong nhiều năm Trung Quốc luôn ở vị thế thống trị nguồn cung lithium toàn cầu.

Trong bài phân tích đăng tải tháng 2/2024 của Viện nghiên cứu Trung Quốc và Châu Á (ORCA) của Ấn Độ có đoạn: Trong bối cảnh năng lượng sạch và xe điện (EV) đang phát triển nhanh chóng, Trung Quốc đã nổi lên như một thế lực đáng gờm, nắm giữ quyền kiểm soát chưa từng có đối với chuỗi cung ứng lithium toàn cầu. 

Trong số 10 nhà sản xuất pin lithium-ion hàng đầu thế giới, có 6 công ty là công ty Trung Quốc, điều này càng nhấn mạnh thêm vai trò then chốt của Trung Quốc trong lĩnh vực quan trọng này.

Trung Quốc 'hổ mọc thêm cánh' với kho báu Lithium từ sa mạc: Thu hơn 43 tỷ USD từ ngành này, thế giới rất khát! - Ảnh 3.

Pin lithium-ion. Ảnh: Internet

Sự thống trị này đã đưa Trung Quốc trở thành trung tâm sản xuất và tinh chế pin lithium-ion (Li-ion). Mặc dù nắm giữ chưa đến 7% trữ lượng lithium của thế giới, Trung Quốc đã xoay xở để đảm bảo được 80% thị phần sản xuất hóa chất lithium toàn cầu.

Ngày 22/10/2024, Energytrend cho biết, Trung Quốc thu được hơn 43,6 tỷ đô la Mỹ từ việc xuất khẩu pin lithium-ion trong 9 tháng đầu năm 2024 (tháng 1 - tháng 9 năm 2024). Trong đó, 3 quốc gia nhập khẩu pin lithium-ion lớn nhất của Trung Quốc lần lượt là Mỹ, Đức và Việt Nam.

Carbon Credits bình luận, năm 2021, thế giới tiêu thụ khoảng 500.000 tấn lithium, con số này dự kiến sẽ đạt hơn 3.000.000 tấn vào năm 2030. Sự tăng trưởng nhanh chóng này chủ yếu là do nhu cầu ngày càng tăng đối với pin Li-ion, đây là trọng tâm của xu hướng điện khí hóa.

Mặc dù trữ lượng lithium được phân bổ tốt trên toàn cầu, các mỏ chất lượng cao chỉ tập trung ở một số ít quốc gia là Australia, Chile, Trung Quốc và Argentina. Ba quốc gia đầu tiên chiếm 88% tổng sản lượng lithium của thế giới vào năm 2023.

Thách thức chính nằm ở các quy trình khai thác và chiết xuất, vốn trước đây thiếu vốn. Chất lượng quặng ngày càng giảm và khó khăn trong khai thác ngày càng tăng tạo ra thêm nhiều rào cản. Điều này đòi hỏi việc đổi mới trong khai thác và chế biến lithium nhằm thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu lithium.

Với công nghệ lọc nano lỏng hỗ trợ EDTA (EALNF) mà Australia và Trung Quốc vừa tìm ra, khoảng cách này hứa hẹn được thu hẹp một cách ngoạn mục.

Tham khảo: CGTN, MSN, Tân Hoa Xã, ORCA, Carbon Credits

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại