Trung Quốc hé lộ 'điều kiện' tham gia đàm phán hạt nhân Mỹ-Nga

Minh Đức |

Theo các chuyên gia quân sự và chính sách đối ngoại tại diễn đàn an ninh Hương Sơn - Bắc Kinh (Trung Quốc), sau kỷ nguyên Trump, các cơ chế kiểm soát vũ khí toàn cầu cần phải được chỉnh sửa và cải tổ.

Tên lửa hạt nhân xuất hiện trong buổi duyệt binh chào mừng 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ảnh: Tân Hoa Xã)

Tên lửa hạt nhân xuất hiện trong buổi duyệt binh chào mừng 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ảnh: Tân Hoa Xã)

Tờ South China Morning Post đăng tải, căng thẳng quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn tới những lời kêu gọi về một "sự ổn định chiến lược" và các cơ chế kiểm soát vũ trang mới trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân, không gian mạng và trí thông minh nhân tạo.

Đối với các chuyên gia Trung Quốc và quốc tế về quân sự, chính sách đối ngoại tham dự diễn đàn an ninh Hương Sơn 2020 vừa diễn ra theo hình thức trực tuyến tại Bắc Kinh, câu hỏi lớn nhất là:

"Trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dần hướng về một cuộc chiến tranh lạnh mới, bằng cách nào để Trung Quốc và Mỹ có thể khôi phục niềm tin và mối quan hệ ổn định dưới sự lãnh đạo của một tân Tổng thống Mỹ?"

Trong hai ngày hoạt động của diễn đàn (1-2/12), phần lớn các học giả thừa nhận, cơ cấu kiểm soát vũ khí do Mỹ và Nga gây dựng từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc hiện đang đứng trước nguy cơ "tan vỡ" với quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump rút lui khỏi một thỏa thuận kiểm soát vũ khí lớn. Ngoài ra, cơ cấu đó cũng không còn theo kịp với tốc độ phát triển của thời đại.

"Hầu hết đều nhận định rằng, kiến trúc kiểm soát vũ khí được phát triển vào cuối Chiến tranh Lạnh đã không còn đáp ứng được thế giới đa cực ngày hôm nay", cựu giám đốc của Vụ Các hiệp ước quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Nga – Evgeny Buzhinskiy phát biểu trong diễn đàn hôm thứ Ba (1/12).

Một mối quan tâm lớn khác là Trung Quốc đang rất nhanh chóng thu hẹp khoảng cách trong công nghệ quân sự với Washington, thậm chí trong những năm gần đây đã thay thế Nga trở thành đối thủ chiến lược lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại là một mối đe dọa lớn mà không bị giới hạn bởi bất kỳ hiệp ước nào, đặc biệt trong phát triển hạt nhân.

Trong khi Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mỹ-Nga 2020 (hay còn gọi là START Mới) sẽ kết thúc vào tháng 2 năm sau mà vẫn chưa được gia hạn, chính quyền Trump tỏ ý kiên quyết muốn Trung Quốc có mặt trong các hoạt động đàm phán hạt nhân tương lai.

Bắc Kinh đã bác bỏ lời đề xuất của Washington với lý do kho vũ khí hạt nhân của họ có quy mô quá nhỏ; ngoài ra Trung Quốc nhấn mạnh, cả Nga và Mỹ trước tiên đều phải cắt giảm đáng kể số đầu đạn hạt nhân của mình.

Giáo sư Ken Jimbo đến từ Đại học Keio, Nhật Bản và hiện đang là cố vấn đặc biệt cho Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản kêu gọi giới lãnh đạo và chuyên gia Trung Quốc "nghiêm túc theo đuổi những biện pháp kiểm soát vũ khí mới" cùng với Mỹ, nhằm có được một sự ổn định mang tính chiến lược.

"Tôi hiểu được những khó khăn cho Trung Quốc hiện tại nếu họ tham gia vào quá trình thương lượng START Mới hoặc thậm chí là Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đa phương, tuy nhiên việc Trung Quốc đạt được một sự ổn định chiến lược với Mỹ là vô cùng quan trọng", ông Ken nói.

Theo các cố vấn quân sự và học giả người Trung Quốc, để có thể thiết lập được sự ổn định chiến lược trên, cần phải làm mới các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang tái xuất hiện trên trường quốc tế. Trạng thái ổn định chiến lược là một khái niệm từ thời Chiến tranh Lạnh trong đó không một quốc gia nào có động cơ phát động tấn công hạt nhân trước tiên.

Phía Trung Quốc cũng đồng ý, những cuộc thảo luận như vậy nên bao gồm cả các lĩnh vực cạnh tranh mới nổi như không gian mạng, trí thông minh nhân tạo và không gian vũ trụ. Tuy nhiên, mong muốn của Mỹ thúc đẩy cơ chế kiểm soát hạt nhân đa phương lại vấp phải sự nghi ngờ từ Bắc Kinh.

"Chúng tôi không thể tham gia đàm phán INF bởi vì các tên lửa tầm ngắn và tầm trung đóng vai trò quan trọng trong năng lực phòng thủ của Trung Quốc", cựu quan chức quốc phòng và là một chuyên gia của Quỹ Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Trung Quốc – Li Daozhong chia sẻ bên lề diễn đàn hôm thứ Tư (2/12). "Chúng tôi chỉ chấp nhận nếu Mỹ đề cập tới cả các tên lửa phóng trên không và từ biển, nhưng Mỹ sẽ không đồng ý bởi vì họ đang có ưu thế rất lớn trong lĩnh vực đó".

Được ký kết giữa Mỹ và Liên Xô vào năm 1987, Hiệp ước INF cấm tất các hệ thống tên lửa hành trình và đạn đạo phóng từ mặt đất có tầm bay từ 500 tới 5.500 km. Năm ngoái, Mỹ đã đơn phương rút khỏi hiệp ước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại