Phân bón của Việt Nam trong năm 2024 liên tục được các quốc gia đẩy mạnh nhập khẩu. Nguyên nhân lớn đến từ việc Trung Quốc tiếp tục hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm kiểm soát giá trong nước, cắt giảm chi phí nông nghiệp và tăng cường an ninh lương thực.
Cụ thể, trong 8T/2024, cả nước xuất khẩu 1,16 triệu tấn phân bón các loại, tương đương trên 478,69 triệu USD, tăng 5,9% về lượng và tăng 6,4% về kim ngạch. Giá xuất khẩu đạt 410 USD/tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ.
Riêng tháng 8/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 131.735 tấn phân bón các loại đạt 58,51 triệu USD, giá đạt 444,2 USD/tấn.
Campuchia tiếp tục là thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, đạt 368.395 tấn, tương đương 153,12 triệu USD, giảm 8,4% về lượng, giảm 8,7% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường này chiếm 31,6% trong tổng khối lượng và chiếm 32% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Thị trường Hàn Quốc xếp thứ 2 với 123.029 tấn phân bón, tương đương gần 51,07 triệu USD, tăng mạnh 151% về lượng, tăng 181% kim ngạch và tăng 11,9% về giá, chiếm gần 11% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Malaysia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, đạt 84.910 tấn, trị giá 32,61 triệu USD, chiếm 7,3% trong tổng khối lượng và chiếm 6,8% trong tổng kim ngạch.
Trước đó vào đầu tháng 7/2024, Trung Quốc tiếp tục áp thêm các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với urê, phân bón gốc nitơ và phốt phát. Trong những năm qua, Trung Quốc là nhà cung cấp chính của hai loại này và những hạn chế mới có nguy cơ đẩy giá các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng trên toàn thế giới tăng cao.
Theo một số nguồn tin, xuất khẩu urê và phốt phát đã chậm lại trong năm nay, gần như dừng lại hoàn toàn, sau khi các giới hạn được đưa ra vào cuối năm 2023. Giờ đây, các chuyến hàng urê đã hoàn toàn bị dừng lại. Đối với phốt phát, hải quan Trung Quốc tăng cường kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, điều này có thể làm giảm doanh số bán hàng nhiều hơn.
Nông dân nước tỷ dân đang phải vật lộn với giá ngũ cốc giảm và chi phí tăng cao, dẫn đến các biện pháp bảo vệ thị trường nội địa. Đồng thời, các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với sản xuất cây trồng ở các vùng trồng trọt chính của đất nước. Hợp đồng tương lai urê nội địa, giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng, vào đầu tháng 4, đã phục hồi.
Với tình hình xuất khẩu phân bón khởi sắc sau một năm lao dốc, nhiều doanh nghiệp trong ngành phân bón trong nước đã có kết quả kinh doanh với những con số ấn tượng trong nửa đầu năm. Trong đó có Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tổng Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ).
Dù xuất khẩu được hưởng lợi từ đây nhưng Việt Nam vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA) hiện dự báo tiêu thụ phân bón trên toàn cầu năm nay sẽ tăng 4% so với năm 2023, đạt 192,5 triệu tấn. Các yếu tố như bất ổn địa chính trị và điều kiện thời tiết cực đoan khiến giá các mặt hàng nông sản chủ chốt, gồm gạo, lúa mì, ngô hiện vẫn neo cao so với mức trung bình 10 năm trở lại đây.