China Daily dẫn lời các chuyên gia và quan chức cho biết, một siêu dự án đập thủy điện mới đang được xây dựng ở miền bắc Pakistan. Khi hoàn thành, dự án này sẽ giúp đảm bảo nhu cầu quản lý nguồn nước và sản xuất năng lượng ở khu vực.
Hoạt động tại công trường đập Diamer Bhasha gần Chilas - thành phố thuộc quận Diamer ở vùng Gilgit-Baltistan - đã được tiến hành trong thời gian vừa qua.
Faisal Vawda, Bộ trưởng liên bang Pakistan về nguồn nước, nói: "Đập Diamer Bhasha sẽ thay đổi vận mệnh của Pakistan thông qua việc giải quyết các vấn đề năng lượng và thủy lợi. Đây sẽ là huyết mạch của Pakistan".
Hồ chứa của đập này sẽ cao 272m và sẽ là đập bê tông đầm lăn (RCC) cao nhất thế giới.
Bê tông đầm lăn là một loại bê tông hỗn hợp đặc biệt có cùng các loại nguyên liệu giống như bê tông thông thường nhưng có tỉ lệ khác biệt, ngoài ra một phần xi măng được thay bằng tro bay để làm giảm tải nhiệt trên đập và giảm khả năng nứt nhiệt.
Đây là loại bê tông không có độ sụt, được đầm chặt bằng phương pháp lu (khác với bê tông truyền thống được làm chặt bằng đầm dùi). Bê tông đầm lăn được sử dụng chủ yếu để xây dựng các bãi đỗ xe, kho bãi, đường trong các khu công nghiệp, đường giao thông và đập chắn nước cho các công trình thủy lợi, thủy điện.
Theo thiết kế, con đập này có một đập tràn với 14 cổng và 5 cửa xả bùn. Hệ thống chuyển hướng gồm hai đường hầm và một kênh dẫn dòng. Các nhà máy phát điện cũng sẽ được xây dựng trong dự án xây đập.
Asim Saleem Bajwa, chủ tịch của Cơ quan Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan, nói đập thủy điện sẽ có công suất 4.500 megawatt.
Ông Bajwa mô tả khoảnh khắc Thủ tướng Pakistan Imran Khan chính thức tuyên bố khởi công xây dựng đập Diamer Bhasha là "thời khắc lịch sử". "Quá trình xây dựng sẽ tạo ra khoảng 16.000 việc làm cho người dân".
Ông Imran Khan và Tham mưu trưởng quân đội Pakistan Qamar Bajwa đã tới đập vào ngày 15/7 vừa qua.
Con đập lớn nhất
"Đập Diamer Bhasha sẽ là con đập lớn nhất lịch sử Pakistan. Con đập này sẽ đem lại lợi ích cho cả nước về mặt kinh tế và môi trường, đặc biệt là cho người dân của Gilgit-Baltistan," ông Khan nói.
Dự án hàng tỉ USD này được dự tính sẽ hoàn thiện trong năm 2028. Đây là dự án đa chức năng với mục tiêu chứa nước, chống lũ, cải thiện thủy lợi và sản xuất điện.
"Đây không phải là một dự án thông thường. Đó là lí do tại sao thủ tướng Pakistan và tham mưu trưởng có mặt tại lễ khởi công công trình. Con đập sẽ có ảnh hưởng lớn tới kinh tế, an ninh và chính trị Pakistan," Ahmed Quraishi, một chuyên gia thuộc tổ chức nghiên cứu độc lập Project Pakistan 21, cho biết.
Theo China Daily, đây là một thách thức mới đối với những kĩ sư Trung Quốc. Dự án đang được kết hợp xây dựng bởi công ty Power China và Tổ chức Frontier Works của Pakistan.
"Chúng tôi rất biết ơn đối với sự hỗ trợ của Trung Quốc trong quá trình xây dựng siêu dự án này," Faisal Vawda, quan chức nguồn nước Pakistan, nói
Ông Quraishi nhận định các thông số kĩ thuật của dự án này sẽ là bài học cho kĩ sư trên toàn thế giới học hỏi. "Trung Quốc có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các đập thủy điện," ông nói.
Shaukat Basra, phát ngôn viên của tỉnh Punjab, Pakistan, cho biết con đập sẽ là công trình then chốt trong ngành điện lực nước này.
"Power China tham gia một phần trong quá trình xây dựng đập. Con đập sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Trung Quốc đã giúp xây nhà máy điện cảng Qasim ở Karachi, biến thành phố Karachi thành 'thành phố ánh sáng'," ông nói.
"Tôi rất mừng khi các công ty Trung Quốc bắt đầu khởi công xây dựng đập. Chúc cho tình hữu nghị Trung Quốc - Pakistan được vững bền".