Phiên bản Mod 7 của ngư lôi Mk-48 được hãng Lockheed Martin phát triển trong khuôn khổ một hợp đồng trị giá 425 triệu USD được ký kết từ năm 2011.
Theo điều khoản trong hợp đồng, Lockheed Martin sẽ bàn giao 20 ngư lôi Mod 7 cho Hải quân Mỹ mỗi tháng. Công ty ước tính rằng họ có thể bán được khoảng 250 ngư lôi mới trong vòng 5 năm tới.
So với các mẫu tên lửa Mk-48 trước đây, phiên bản Mod 7 được trang bị hệ thống sonar có băng thông rộng hơn. Nó có thể tiếp nhận các tín hiệu ở dải tần số rộng hơn và xử lý chúng để nâng cao khả năng tìm kiếm, xác định mục tiêu và độ chính xác của ngư lôi.
Không những vậy, hệ thống này còn có thể vượt qua các hệ thống đánh chặn của đối phương và quan trọng nhất là nó cũng cho phép việc nâng cấp phần cứng và phần mềm được thực hiện dễ dàng.
Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar của tạp chí National Interest, việc Hải quân Mỹ trang bị ngư lôi Mod 7 không gì khác nhằm tìm kiếm lợi thế trước Trung Quốc trong cuộc đối đầu tiềm tàng trên Thái Bình Dương và đây cũng chính là nguyên nhân khiến Mỹ phải tích hợp thêm tính năng chống hạm cho tên lửa phòng không SM-6 và "sứ giả chiến tranh" Tomahawk.
Dave Majumdar cho rằng, cuộc chiến giữa các hàng không mẫu hạm Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng xảy ra nhất là ở khu vực duyên hải châu Á – Thái Bình Dương. Và những vũ khí như Mod 7 hay tên lửa chống hạm như Tomahawk và SM-6 là rất cần thiết với Mỹ.
Để trở thành tên lửa hai trong một, SM-6 phải nhận nhiệm vụ vừa phòng thủ vừa đối kháng trên biển, giúp hải quân Mỹ mở rộng không gian hoạt động cho các tàu chiến lớp Aegis. Trong khi đó, tên lửa hành trình Tomahawk sẽ được bổ sung chức năng chống hạm biến "sứ giả chiến tranh" của Mỹ thành sát thủ toàn năng đầy uy lực.
Với trường hợp của Tomahawk, theo phân tích của cựu quan chức Hải quân Mỹ, Byran McGrath, Washington đã không trang bị thêm bất kỳ lớp tàu chiến nào có thể phóng tên lửa diệt hạm từ năm 1999 đến nay.
"Không có con tàu nào trong kho của chúng tôi có thể vô hiệu hóa tàu khác bằng vũ khí sẵn có ngoài phạm vi 70 dặm (tầm bắn của tên lửa Harpoon) và không có tàu mới nào phóng được tên lửa Harpoon được bổ sung kể từ năm 1999" – ông McGrath nhấn mạnh.
Vì vậy, giải pháp tình thế lúc này đó là tích hợp thêm cho Tomahawk thành tên lửa hành trình tấn công kép, tức kiêm luôn vai trò diệt hạm bên cạnh chức năng tấn công trên bộ. Sau khi cải tiến, tên lửa có thể diệt hạm trong phạm vi 1.850 km.