Trong bản kế hoạch được công bố hôm 29.9, giới chức Bắc Kinh cho biết sẽ biến thành phố này từ một thủ đô đông đúc, ngột ngạt trở thành đô thị quốc tế đáng sống với không khí trong lành hơn.
Cụ thể, từ năm 2020 trở đi dân số Bắc Kinh sẽ được duy trì ở mức 23 triệu người (tăng 6% so với dân số năm 2016), chất lượng không khí sẽ đạt chuẩn tiên tiến của quốc tế vào năm 2050.
Theo SCMP, kế hoạch giảm tải cho Bắc Kinh được xây dựng sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt ra vấn đề phải phát triển thủ đô một cách bền vững vào năm 2014.
Bí thư thành ủy Bắc Kinh Thái Kì cho biết, để đạt được mục tiêu kiềm chế dân số, chính quyền địa phương sẽ tiến hành giảm số dân thường trú trong nội thành Bắc Kinh.
Cũng theo bản kế hoạch, bảo tồn di tích kiến trúc cũ là một trong những nhiệm vụ quan trọng sắp tới. Như vậy, nhiều tòa nhà có giá trị lịch sử nằm ở khu vành đai giao thông thứ hai của thành phố Bắc Kinh sẽ được bảo tồn, theo SCMP.
Ngoài ra, giới chức thủ đô cũng muốn nâng cấp về chức năng cho Bắc Kinh, giúp cơ sở hạ tầng thành phố đủ khả năng tổ chức những sự kiện tầm quốc gia. Để làm việc này, chính quyền thành phố sẽ thu hồi những khu đất bị sử dụng cho mục đích không phù hợp như xây nhà cho người có thu nhập thấp.
Bản kế hoạch còn kêu gọi giảm hoạt động xây dựng ở khu vực phía nam, quy mô diện tích đất dùng cho xây dựng giảm từ 2.921km2 (năm 2015) xuống còn 2.860km2 (2020) và 2.760km2 (2030), theo trang tin Tân Kinh.
Cũng theo Tân Kinh, sau khi giảm diện tích xây dựng, công tác tiếp theo sẽ là tiến hành phân chia lại khu vực, xây dựng kế hoạch và tiến hành giảm diện tích khu vực dựa trên chức năng và điều kiện tài nguyên của từng khu.
Bí thư Thái chia sẻ, Bắc Kinh sẽ là thành phố đầu tiên tại Trung Quốc bị thu hẹp diện tích.
SCMP cho biết, kế hoạch thu hẹp diện tích thủ đô Bắc Kinh là để đáp lại lời kêu gọi phải phát triển hơn nữa thành phố Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc lân cận của ông Tập Cận Bình. Đất được cắt ra từ Bắc Kinh có thể dần dần được nhập vào hai khu vực trên và Tân khu Hùng An (Hà Bắc).
Giáo sư kiến trúc Ngô Duy Giai thuộc ĐH Thanh Hoa (Bắc Kinh) đánh giá: “Đây là cách tiếp cận mới, kết hợp cả phát triển Thiên Tân và Hà Bắc vào một chính sách tập trung vào thành phố Bắc Kinh”.
Còn theo Viện phó Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Thiết kế đô thị Trung Quốc Vương Khải, việc phân bớt đất của Bắc Kinh cho Tân khu Hùng An một mặt giúp giải quyết vấn đề sức chứa của thủ đô, mặt khác giúp thúc đẩy toàn vùng phát triển.
Tuy nhiên, nghệ sĩ sống lâu năm tại Bắc Kinh Tống Tráng Tráng cho rằng kế hoạch này không có nhiều ý nghĩa đối với công tác bảo tồn các di sản văn hóa ở Bắc Kinh.
Ông Tống chia sẻ đã không còn nhiều những con hẻm tồn tại hàng thế kỉ (hutong) tại thủ đô, và những nỗ lực “hồi sinh” những khu phố cổ trước đó đã phải nhận nhiều bài học cay đắng.
SCMP dẫn lời một công nhân họ Vương cho biết cô rất lo lắng không biết tương lai của mình bị ảnh hưởng thế nào bởi kế hoạch này của chính quyền Bắc Kinh.
“Tôi không biết liệu chính quyền có phá bỏ những khu nhà dành cho người có thu nhập thấp như tôi hay không, nhưng nếu không được ở gần trung tâm thành phố thì tôi làm sao có thể dễ dàng tìm được việc làm ở Bắc Kinh?”, cô Vương chia sẻ.