Trung Quốc giải thích lý do xây Trạm nghiên cứu trên cực Nam Mặt Trăng

Bích Thuận |

Trung Quốc dự kiến xây dựng phiên bản cơ bản của Trạm nghiên cứu khoa học tại cực Nam của Mặt Trăng, ông Ngô Vĩ Nhân cho biết.

Mô phỏng trạm nghiên cứu Mặt trăng của Trung Quốc (Nguồn: Học viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc).

Mô phỏng trạm nghiên cứu Mặt trăng của Trung Quốc (Nguồn: Học viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc).

Trong tiết lộ mới nhất bên lề “hai kỳ họp” thường niên, người phụ trách chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc cho biết, nước này đã bắt đầu triển khai toàn diện chương trình thám hiểm Mặt Trăng giai đoạn 4 với việc đổ bộ lên cực Nam để xây Trạm nghiên cứu quốc tế.

Bước tiếp theo trong thực hiện các sứ mệnh hàng không vũ trụ của Trung Quốc đã được các Ủy viên Chính Hiệp (tương đương Mặt trận Tổ quốc) và các nhà lập pháp Trung Quốc làm việc trong ngành này chia sẻ với báo giới tại “Lưỡng hội” - hai kỳ họp và cũng là sự kiện chính trị thường niên lớn nhất của Trung Quốc đang diễn ra ở Bắc Kinh.

Trong tiết lộ mới nhất, ông Ngô Vĩ Nhân (Wu weiren), nhà thiết kế chính trong Chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc cho biết, giai đoạn 4 của chương trình này đã được thông qua hồi cuối năm 2021 và đến nay đã chính thức đi vào thực thi toàn diện: “Giai đoạn thứ tư dự kiến ​​sẽ thực hiện một số cuộc đổ bộ lên cực Nam của Mặt Trăng. 

Sau cuộc đổ bộ, dự kiến ​​sẽ xây dựng phiên bản cơ bản của Trạm nghiên cứu khoa học tại cực Nam của Mặt Trăng. Đây là mục tiêu chính toàn bộ giai đoạn 4 của chúng tôi".

Trong số đó, tàu Hằng Nga-6 sẽ lên vùng cực của Mặt Trăng để lấy mẫu; Hằng Nga-7 thăm dò khoa học về các vùng cực, đặc biệt là sự phân bố của nước trên Mặt Trăng; Hằng Nga-8 sẽ cùng Hằng Nga-7 tiến hành xác minh thực nghiệm và thăm dò khoa học dài hạn về công nghệ phát triển và sử dụng tài nguyên Mặt Trăng, tiến hành các quan sát quy mô lớn, toàn diện, trong thời gian dài về Trái Đất, cũng như xác minh các công nghệ cốt lõi cho Trạm nghiên cứu.

Theo ông Ngô Vĩ Nhân, ba nhiệm vụ này sẽ được thực hiện trước năm 2030. Về lý do chọn cực Nam Mặt Trăng để xây Trạm nghiên cứu, ông cho biết: “Ở cực Nam của Mặt Trăng có thể có ngày địa cực và đêm địa cực. Trong thời kỳ ngày địa cực, có thể có hơn 180 ngày có ánh sáng liên tục, đặt Trạm nghiên cứu khoa học ở đây có thể có lợi hơn cho công việc lâu dài”.

Ngoài ra, cũng theo chuyên gia này, cực Nam Mặt Trăng có các hố sâu được tạo ra khi Mặt Trăng hình thành và ở đó có thể có nước. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lâu dài của Trạm nghiên cứu, thậm chí là các chuyến thám hiểm ngắn này của con người tới đây trong tương lai.

Được biết, Trung Quốc dự kiến hoàn thành Trạm nghiên cứu quốc tế Mặt Trăng trước năm 2035, mà theo ông Ngô Vĩ Nhân tiết lộ, ý tưởng ban đầu là ngoài trung tâm chỉ huy, tại đây còn có nhiều tàu quỹ đạo và tàu tuần tra để điều phối công việc trên quỹ đạo và bề mặt Mặt Trăng, đồng thời thiết lập hệ thống liên lạc, bao gồm hệ thống WiFi trên Mặt Trăng, để đảm bảo chỉ huy thông suốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại