Theo dự đoán của các chuyên gia, độ tuổi trung bình của công dân Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2020. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn nghèo hơn nhiều, thu nhập trung bình của nước này chỉ bằng 1/4 của Mỹ. Mối lo ngại về việc Trung Quốc sẽ già đi trước khi họ trở nên giàu có không còn là một khả năng lý thuyết mà nhanh chóng trở thành hiện thực.
Theo các dự báo của Liên hợp quốc, trong 25 năm tới, tỷ lệ người Trung Quốc trên 65 tuổi sẽ tăng hơn gấp đôi, từ 12% đến 25%. Ngược lại, nước Mỹ mất gần một thế kỷ và châu Âu cũng cần hơn 60 năm để thực hiện sự thay đổi tương tự. Tốc độ già hóa dân số của Trung Quốc ngang với Nhật Bản và chậm hơn Hàn Quốc, nhưng dân số cả hai quốc gia này bắt đầu già hóa nhanh kể từ khi mỗi công dân giàu gấp 3 lần.
Một người Trung Quốc sinh năm 1960 có thể sống 44 năm, thời gian ngắn hơn một người Ghana sinh cùng năm. Tuổi thọ cho trẻ sơ sinh Trung Quốc hiện nay là 76 tuổi, chỉ thấp hơn Mỹ. Đó cũng là hệ quả của chiến lược kiểm soát dân số chặt chẽ của Trung Quốc. Vào năm 1973, khi chính phủ bắt đầu hạn chế sinh nở, trung bình mỗi phụ nữ Trung Quốc sinh 4,6 con, hiện nay giảm xuống còn 1,6 nhưng một số học giả cho rằng thậm chí ước tính đó vẫn quá cao.
Tỷ lệ sinh chắc chắn sẽ giảm khi Trung Quốc trở nên giàu có hơn, nhưng chính sách một con khiến cho điều này trở nên khó khăn hơn. Mặc dù nước này đã chuyển sang chính sách hai con vào năm 2016 và có thể sớm loại bỏ giới hạn hoàn toàn, việc nới lỏng này là quá muộn. Dân số trong độ tuổi lao động, bắt đầu thu hẹp vào năm 2012, sẽ giảm trong nhiều thập kỷ tới. Đến giữa thế kỷ, con số sẽ chỉ còn gần 1/5 so với hiện nay. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động/người đã nghỉ hưu của Trung Quốc sẽ giảm từ 9/1 xuống còn 2/1 vào năm 2050.
Độ tuổi trung bình của Trung Quốc được dự báo sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2020. Nguồn: Economist
Vấn đề này có 2 tác động kinh tế chính. Thứ nhất, rõ ràng là những người già cần được chăm sóc. Tiền lương hưu đã vượt quá đóng góp của người lao động vào năm 2014. Theo Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, quỹ hưu trí quốc gia có thể cạn vào năm 2035. Bộ Tài chính đang từng bước cải thiện hệ thống này: vào tháng 9, 10% cổ phần của Bộ trong 4 công ty tài chính nhà nước khổng lồ sẽ chuyển sang quỹ hưu trí. Nhưng tầm nhìn xa hơn là cần thiết. Chi tiêu của chính phủ cho lương hưu và chăm sóc sức khỏe chiếm khoảng 1/10 GDP, chỉ bằng một nửa mức thông thường ở các nước dân số già, giàu có hơn.
Tác động thứ hai là tăng trưởng. Vấn đề này đang được tranh luận và có những ý kiến trái chiều. Một số nhà kinh tế học Trung Quốc, đặc biệt là giáo sư Justin Lin của Đại học Bắc Kinh, cho rằng những tiến bộ công nghệ sẽ giảm bớt ảnh hưởng của già hóa dân tới tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nhưng theo ông Cai Fang thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một nhóm lao động bị thu hẹp đang đẩy tiền lương tăng cao và khi các công ty chi tiêu nhiều hơn cho công nghệ thay thế người lao động, lợi nhuận sẽ giảm. Theo tính toán của ông Cai, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc hiện nay đã giảm xuống còn khoảng 6,2% với tình trạng thiếu lao động trẻ tay nghề cao.
Về mặt lý thuyết, Trung Quốc có thể giảm thiểu tác động xấu từ sự già hóa dân số bằng cách kéo dài độ tuổi lao động, tăng cường lực lượng lao động và tăng năng suất. Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện. Tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc rất thấp (60 đối với nam và 50 đối với nữ trong nhiều công việc), nhưng chính phủ không tăng tuổi nghỉ hưu vì lo ngại phản ứng dữ dội. Và mô hình tăng trưởng do nhà nước lãnh đạo dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đang làm tổn hại đến năng suất. Nhà kinh tế học George Magnus đã viết trong cuốn sách "Red Flags: Why Xi’s China is in Jeopardy", vấn đề dân số không phải là định mệnh và Trung Quốc có thời gian để thay đổi hướng đi. Tuy nhiên, tin xấu là thời gian đó đang trôi qua rất nhanh.
Trung Quốc đang suy nghĩ sáng tạo về cách chăm sóc những người nghỉ hưu. Theo truyền thống, con cái được kỳ vọng sẽ chăm sóc cha mẹ già. Nhưng hầu hết các gia đình hiện chỉ có một con, và người con đó đang bận rộn làm việc. Vào năm 2007, Lu Zhong, một doanh nhân, đã thành lập Jujiale - trung tâm dịch vụ dành cho người già. Ông Lu gọi đây là "ngôi nhà nghỉ hưu ảo", gửi người giúp việc đến nhà riêng theo yêu cầu. Jujiale có nghĩa là "sống hạnh phúc tại nhà". Mục đích ban đầu của dự án là cung cấp dịch vụ miễn phí cho các gia đình có thu nhập thấp, nhưng hiện nay trung tâm đã mở rộng quy mô với 1.800 nhân viên phục vụ 130.000 người nghỉ hưu. Ông Lu nói rằng mỗi năm trung tâm cần phải tăng khoảng 15% số lượng nhân viên để theo kịp nhu cầu.
Đây là tín hiệu tốt, tuy nhiên, vẫn không thể giải quyết vấn đề dân số đang tồn tại của Trung Quốc. Vào ngày 1/10 vừa qua, Bắc Kinh đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông Tập đã tuyên bố, đến năm 2049 - kỷ niệm 100 năm quốc khánh, Trung Quốc sẽ phát triển vượt bậc trở thành siêu cường số một thế giới. Nhưng theo nhà kinh tế học nổi tiếng Ren Zeping, độ tuổi trung bình ở Trung Quốc vào năm 2050 sẽ là gần 50, so với 42 ở Mỹ và chỉ 38 ở Ấn Độ. Điều này đặt ra một câu hỏi: Với loại cấu trúc tuổi dân số này, liệu Trung Quốc có đạt được "sự hồi sinh dân tộc" như mục tiêu - giấc mơ lớn ông Tập đã đặt ra hay không?