Trung Quốc gây phẫn nộ khi ra luật mới cho phép bắn tàu nước ngoài trên biển

Kiệt Linh |

Philippines đã lên tiếng phản đối một luật mới của Trung Quốc trong đó cho phép Lực lượng Bảo vệ Bờ biển bắn tàu nước ngoài và phá hủy các công trình của nước khác trên những hòn đảo mà nước này đòi chủ quyền, nhà ngoại giao hàng đầu của Manila hôm 27/1 cho biết.

Người dân Philippines biểu tình phản đối những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Người dân Philippines biểu tình phản đối những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Luật Bảo vệ Bờ biển của Trung Quốc được thông qua hồi cuối tuần trước đã cho phép lực lượng này “áp dụng mọi biện pháp cần thiết, trong đó có việc sử dụng vũ khí, khi chủ quyền quốc gia, các quyền chủ quyền và quyền tài phán, đang bị xâm phạm một cách bất hợp pháp bởi các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài ở trên biển”.

Luật mới cũng cho phép Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc phá hủy các công trình của nước khác được xây dựng trên các bãi cạn và đảo mà Trung Quốc đang tranh chấp cũng như bắt giữ hoặc ra lệnh cho các tàu nước ngoài xâm nhập bất hợp pháp vào vùng lãnh hải của Trung Quốc phải rời đi.

Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. cho rằng luật mới của Trung Quốc “là một lời đe dọa chiến tranh đối với bất kỳ nước nào thách thức” nó. Không thách thức luật đó “là chấp nhận nó”, ông Teodoro Locsin Jr. cho hay.

Luật của Trung Quốc làm gia tăng nguy cơ xảy ra đụng độ với các nước có tranh chấp trong khu vực.

Phát biểu phản đối trên của Ngoại trưởng Philippine là lời chỉ trích mạnh mẽ mới nhất của Manila đối với Trung Quốc bất chấp mối quan hệ ấm áp mà hai nước này đang tạo dựng được dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte. Hồi tháng Bảy năm ngoái, Ngoại trưởng Locsin từng cảnh báo Trung Quốc “về đòn đáp trả nghiêm khắc nhất” nếu các cuộc tập trận của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa lan sang vùng lãnh thổ của Philippines.

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông - một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.

Trung Quốc đã và đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông. Trong một động thái làm đẩy cao căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc gần đây liên tiếp cho triển khai vũ khí, trong đó có các tên lửa, đến các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại