Trong những năm qua, sự ổn định của thị trường lao động Trung Quốc đạt được là nhờ sự phát triển của ngành dịch vụ, giúp những nhân viên bỏ việc hoặc mất việc khỏi các nhà máy dễ dàng kiếm việc đơn giản như giao hàng hoặc thu ngân.
Nhưng đại dịch COVID-19 đã phá vỡ chu kỳ này, khiến chính phủ Trung Quốc nghĩ đến điều lo ngại lớn nhất là tình trạng thất nghiệp hàng loạt và nguy cơ bất ổn xã hội, từ đó ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trên khắp Trung Quốc, không khó để bắt gặp cảnh tượng các cửa hàng hoặc nhà hàng đông khách đóng cửa, các trường đại học chật vật vì sinh viên chưa quay lại trường.
Ở một số trung tâm sản xuất, lao động di cư vẫn đang chờ nhà xưởng mở cửa trở lại, trong khi các xưởng chưa thể khôi phục sản xuất vì sụt giảm nhu cầu toàn cầu.
Dù Trung Quốc bắt đầu khởi động lại nền kinh tế từ giữa tháng 2 sau mấy tháng phong tỏa, nhiều ngành vẫn đang chật vật hồi phục.
Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, thị trường lao động Trung Quốc gặp sức ép trên nhiều mặt trận, một thách thức được thể hiện bằng chỉ số tăng trưởng kinh tế âm lần đầu tiên trong hơn 40 năm.
Khi thị trường việc làm ảm đạm, các mục tiêu phát triển xã hội của Bắc Kinh, trong đó có mục tiêu tăng gấp đôi chỉ số tăng trưởng kinh tế trên đầu người trong năm 2020 và xóa nghèo, trở nên lung lay.
“Vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc tăng đáng kể, và tình hình việc làm tiếp tục xấu đi”, Ouyang Jun và Qin Fang, 2 nhà kinh tế tại ĐH Tài chính và Kinh tế Thành Đô, viết trong bài báo đăng tháng trước.
“Sau dịch bệnh COVID-19, nhiệm vụ ổn định thị trường việc làm vốn đã khó khăn càng trở nên phức tạp và khó quản lý”, bài báo viết.
Dù tình trạng sa thải nhân viên và đóng cửa doanh nghiệp rất dễ nhìn thấy, nhưng thực trạng thất nghiệp ở Trung Quốc vẫn là vấn đề tranh luận.
Chưa có số liệu nào của chính phủ nói lên bức tranh rõ ràng về thị trường lao động và hầu hết các nhà kinh tế học tin rằng số liệu chính thức đánh giá thấp tình trạng thất nghiệp.
Có các nhóm không được tính vào lực lượng 149 triệu chủ doanh nghiệp tự kinh doanh và 174 triệu lao động di cư thất nghiệp. Khác với các nền kinh tế phát triển, nơi những chỉ số việc làm được tính trên phạm vi rộng, Trung Quốc có truyền thống dựa vào 2 chỉ số thất nghiệp, trong khi cả hai chỉ số này đều có lỗi.
Hơn 1/3 chủ nhà hàng cho biết họ đã phải đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần cửa hàng. 40% cho biết họ buộc phải sa thải nhân viên, theo khảo sát của một hiệp hội nhà hàng khách sạn.
Một cuộc khảo sát khác được thực hiện hồi tháng 4 đối với 300 khách sạn cho thấy 1/4 trong số đó đã giảm ít nhất 20% nhân viên.
Vẫn phải chờ xem người tiêu dùng Trung Quốc sẽ thích nghi với “điều bình thường mới” như thế nào và Trung Quốc sẽ phục hồi ra sao sau cú sốc về xuất khẩu”, Yao Wei, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng Pháp Societe Generale, nói.
“Nếu xuất khẩu không thể hồi phục trong nửa cuối năm nay và người tiêu dùng vẫn thận trọng với việc đi ăn ở nhà hàng, mua sắm ở cửa hàng bán lẻ, số lượng người thất nghiệp sẽ lên khoảng 30 triệu vào cuối năm nay”, ông Yao nhận định.
Gần 112 triệu người làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp trong các chuỗi cung ứng hỗ trợ xuất khẩu, theo nghiên cứu của Bộ Thương mại Trung Quốc thực hiện năm ngoái.
Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại tổ chức đầu tư và ngân hàng Macquarie Group, ước tính tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc có thể tăng lên 9,4% vào cuối năm nay.
“Thị trường lao động được hiểu theo số lượng công việc đang tồn tại và số lượng việc mới. Trung Quốc có 442 triệu việc làm ở thành thị tính đến cuối năm 2019 và phải bổ sung thêm 8 triệu việc làm mới trong năm nay để giữ tỷ lệ thất nghiệp không tăng”, ông Hu giải thích.
“Theo tính toán của chúng tôi ở mức cơ sở, số lượng việc làm mới được tạo ra trong năm nay sẽ ít hơn 6 triệu so với năm ngoái và 14 triệu việc làm hiện tồn tại sẽ mất đi. Nói cách khác, tổng số lượng việc làm ở thành thị trong năm nay sẽ ít hơn 20 triệu so với xu hướng bình thường”, ông Hu nói.
Trong khi đó, Trung Quốc năm nay sẽ có khoảng 8,7 triệu sinh viên mới ra trường.