Trung Quốc đưa xe điện giá rẻ ra khắp thế giới: 1 năm bán 10,1 triệu chiếc, ráo riết chinh phục từ ĐNÁ, Mỹ Latinh đến Trung Đông, đầu tư cả sản xuất lẫn nguyên liệu

Vũ Anh |

Thế giới sẽ chìm ngập xe điện Trung Quốc giá rẻ.

Khi Luiz Inácio Lula da Silva, Tổng thống Brazil đến thăm Trung Quốc vào năm ngoái, ông đã gặp gỡ nhà sáng lập kiêm chủ tịch tỷ phú BYD Wang Chuanfu. Sau cuộc hội ngộ, BYD quyết định chọn quốc gia này làm trung tâm sản xuất ô tô đầu tiên bên ngoài châu Á. Một nhà máy cũ của Ford ở Camacari - nơi vốn bị hãng sản xuất ô tô Mỹ bỏ hoang gần một thế kỷ cũng được BYD tận dụng.

Theo kế hoạch đầu tư trị giá hơn 1 tỷ USD, BYD dự định bắt đầu sản xuất ô tô điện và xe lai hybrid trong năm nay tại bang Bahia. Nhà máy mới ở Brazil nằm trong kế hoạch đầu tư của hãng vào chuỗi cung ứng sản xuất xe điện tại các nền kinh tế đang phát triển quan trọng.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra quan điểm mới phản đối sự hỗ trợ tài chính sâu rộng của Bắc Kinh với ngành công nghiệp xe điện. Các mức thuế mới bị áp đặt lên loạt sản phẩm công nghệ sạch.

“Đó không phải là sự cạnh tranh. Đó là gian lận. Và chúng tôi đã thấy thiệt hại ở Mỹ”, ông Biden nói.

Theo các chuyên gia, thuế quan, cùng với những hạn chế ngày càng tăng đối với dòng vốn đầu tư của Trung Quốc trên đất Mỹ, sẽ tác động không nhỏ đến thị trường ô tô toàn cầu. Tất cả buộc các công ty hàng đầu đại lục tăng cường tập trung vào các thị trường ở phần còn lại của thế giới, bao gồm Đông Nam Á, Mỹ Latinh và Trung Đông.

“Những thị trường này đang hoạt động và Trung Quốc ráo riết theo đuổi chúng”, Bill Russo, cựu giám đốc Chrysler ở châu Á, cho biết.

Các khoản đầu tư mới của Trung Quốc sẽ đổ vào hoạt động sản xuất ô tô và nguyên liệu thô. Ilaria Mazzocco, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết phương Tây cần hiểu rằng tham vọng toàn cầu của Trung Quốc tạo cơ hội cho nhiều quốc gia mở rộng cơ sở sản xuất và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào “công nghệ của tương lai”.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo năm nay, 10,1 triệu chiếc xe điện sẽ được bán ở Trung Quốc, 3,4 triệu ở Châu Âu và 1,7 triệu ở Mỹ. Phần còn lại của thế giới là 1,5 triệu xe điện.

Cũng theo cơ quan này, đội xe điện toàn cầu sẽ tăng gấp 8 lần lên khoảng 240 triệu vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa với việc doanh số xe điện toàn cầu hàng năm sẽ rơi vào khoảng 20 triệu chiếc vào năm 2025 và 40 triệu chiếc vào năm 2030, tương đương 30% tổng doanh số ô tô nói chung. Phần lớn sự mở rộng có thể đến từ các thị trường mới.

Trung Quốc đưa xe điện giá rẻ ra khắp thế giới: 1 năm bán 10,1 triệu chiếc, ráo riết chinh phục từ ĐNÁ, Mỹ Latinh đến Trung Đông, đầu tư cả sản xuất lẫn nguyên liệu- Ảnh 2.

Theo WSJ, Trung Quốc đang dư thừa sản lượng rất nhiều khi nhu cầu nội địa không tiêu thụ hết. Đó là chưa kể những người đã mua ô tô điện rồi thì sẽ khó chi thêm tiền mua chiếc thứ 2.

Hậu quả là các hãng xe không chỉ đua nhau giảm giá kích thích doanh số mà còn hướng đến thị trường nước ngoài để đẩy doanh số. “Dòng lũ” xe điện giá rẻ theo đó “dìm ngập” các đối thủ non trẻ hơn.

Ở một số nền kinh tế đang phát triển quan trọng, nhiều công ty Trung Quốc đang đầu tư vào cả hoạt động sản xuất lẫn xử lý nguyên liệu thô. Không nơi nào nổi trội sự tham gia của Trung Quốc vào hệ sinh thái xe điện như tại Indonesia - nơi có trữ lượng niken lớn nhất thế giới.

Chỉ riêng năm ngoái, các công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Hồng Kông đã đầu tư 13,9 tỷ USD vào Indonesia, phần lớn trong số đó được cho là vào ngành kim loại và khai thác mỏ. Các công ty Trung Quốc chiếm hơn 90% số nhà máy luyện niken ở nước này

Alexander Barus, giám đốc điều hành Khu công nghiệp Morowali Indonesia - cơ sở chế biến niken lớn nhất đất nước, cho biết các ngân hàng Trung Quốc rất muốn cung cấp vốn cho các nhà máy niken.

“Khi chúng tôi mới bắt đầu tìm kiếm đầu tư khai thác mỏ, không một ngân hàng nào ở Indonesia muốn giúp đỡ. Họ nghi ngờ liệu dự án này có sinh lời hay không. Chẳng bù cho các ngân hàng Trung Quốc. Họ đã sẵn sàng cấp vốn”, Barus nói.

Đảm bảo quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên quan trọng của Indonesia, các công ty Trung Quốc đi tiên phong trong việc thành lập các nhà máy sản xuất xe điện, ngay cả khi Indonesia - và cá nhân Tổng thống Joko Widodo - lôi kéo cả những tên tuổi lớn khác như Tesla. BYD cho biết vào đầu năm nay rằng họ sẽ đầu tư 1,3 tỷ USD vào một nhà máy xe điện ở Indonesia.

Câu chuyện tương tự ở Brazil, nơi BYD và tập đoàn đồng hương Great Wall Motor chuẩn bị hoạt động sản xuất tại địa phương để có thể phục vụ xuất khẩu sang khu vực rộng lớn. Great Wall đang đầu tư khoảng 1,9 tỷ USD vào nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh với hoạt động sản xuất dự kiến bắt đầu trong năm nay tại một nhà máy cũ của Mercedes-Benz ở Iracemápolis, bang São Paulo. Ngoài khoản đầu tư vào sản xuất ô tô tại Camaçari, BYD cũng đang tập trung vào mảng khai thác lithium ở Brazil.

Brazil, thị trường ô tô lớn thứ sáu thế giới, tương đối chậm trong việc điện khí hóa. Điều này một phần đến từ việc sử dụng rộng rãi ethanol có hàm lượng carbon thấp hơn có nguồn gốc từ mía.

Tuy nhiên, nhờ dòng vốn đầu tư mới mẻ, hồi năm ngoái, doanh số bán xe điện gần như đã tăng gấp đôi ở Brazil. Nước này cũng vượt qua Bỉ để trở thành điểm xuất khẩu lớn nhất cho xe điện của Trung Quốc.

Trước đó, BYD đã tài trợ cho giải bóng đá Copa América dành cho các quốc gia Nam Mỹ. Cassio Pagliarini, giám đốc tiếp thị của Bright Consulting, nhận định các chiến dịch tiếp thị như vậy, cùng với việc định giá mạnh mẽ của các thương hiệu ô tô Trung Quốc, đã khiến người tiêu dùng Brazil chấp nhận.

Theo: Financial Times, WSJ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại