Trung Quốc đưa hơn 100 pháo tự hành PCL-181 lên biên giới với Ấn Độ

Bình Giang |

Trung Quốc vừa đưa hơn 100 pháo tự hành tầm xa lên khu vực núi cao tiếp giáp với Ấn Độ, trong bối cảnh hai bên tiếp tục căng thẳng vì các cuộc đàm phán quân sự không giải quyết được tranh chấp.

Nguồn tin gần gũi với quân đội Trung Quốc cho biết nước này đang tăng cường phòng thủ để chuẩn bị cho mùa đông trên dãy núi Himalaya và để đối phó với việc Ấn Độ điều 3 trung đoàn pháo binh lên khu vực tranh chấp dọc đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa hai nước.

"Quân đội Trung Quốc đã đưa hơn 100 pháo tự hành PCL-181 lên biên giới với Ấn Độ. Tầm bắn của PCL-181 do Trung Quốc chế tạo gấp đôi lựu pháo M777 được Ấn Độ triển khai trên cùng tuyến biên giới", nguồn tin tiết lộ.

Trong vòng đàm phán mới nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ diễn ra hồi đầu tháng này, giới chức quân sự Trung Quốc không thể thuyết phục Ấn Độ rút thêm quân khỏi khu vực chiến lược trên cao nguyên Depsang, Bloomberg đưa tin hôm 18/10.

Trong bối cảnh đó, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tăng cường tích lũy trang, thiết bị quân sự cũng như hậu cần lương thực vì khu vực biên giới này gần như bị cô lập trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông.

Hồi tháng 9, báo chí Ấn Độ đưa tin quân đội nước này đã sử dụng máy bay trực thăng để đưa lựu pháo M777 lên tiền tuyến, trong khi các loại pháo hạng nặng khác được vận chuyển bằng đường bộ.

Trước đó, truyền hình CCTV đưa tin hồi tháng 8 cho thấy Trung Quốc cũng đã đưa nhiều pháo tự hành PCL-181 lên biên giới. Bản tin nói rằng pháo PCL-181 chỉ nặng 20 tấn, nên mỗi lần cất cánh, máy bay vận tải quân sự lớn nhất của quân đội nước này có thể mang ít nhất 2 khẩu pháo cùng một số thiết bị quân sự khác.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tăng cường khí tài quân sự cho lực lượng ở vùng núi cao phía tây nước này bằng các bệ phóng tên lửa tầm xa.

Ông Antony Wong Tong, một chuyên gia quân sự ở Macau, cho rằng Trung Quốc có lợi thế về cả hệ thống rốc két tầm ngắn và tầm xa ở khu vực biên giới.

"Về vũ khí, Trung Quốc có lợi thế vượt trội, nhưng kẻ thù lớn nhất trong mùa đông không phải là vũ khí, mà là thời tiết", ông Wong nói.

Phó giáo sư Rajeev Ranjan Chaturvedy, công tác tại ĐH Antony Wong Tong (Ấn Độ) nói rằng quân đội Ấn Độ cũng đã có những chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp trong mùa đông.

"Ấn Độ hiểu rõ về sự bất đối xứng với quân đội Trung Quốc. Vì thế, thay vì chạy đua về số lượng, trọng tâm của Ấn Độ là tận dụng công nghệ", ông nói. Phó giáo sư Rajeev Ranjan Chaturvedy khẳng định quân đội Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm về tác chiến trong mùa đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại