Trung Quốc dồn tổng lực phát triển xe tăng "hàng nhái": Đâu là đối thủ chính?

Trịnh Ngọc Tiến |

Trái ngược hẳn với các mẫu xe tăng mới nhất của Mỹ và Nga, triết lý sử dụng xe tăng của Quân đội Trung Quốc thực chất chưa biết đối phó với đối thủ nào, Mỹ hay Nga, hay cả hai?

Một khía cạnh thú vị là những xe tăng hiện nay của Trung Quốc đều là những thiết kế mới; nếu so sánh với hầu hết các thiết kế xe tăng chiến đấu chủ lực của các nước châu Âu, Mỹ hoặc Nga đều phát triển vào cuối thời kỳ chiến tranh Lạnh.

Hai loại xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) hiện nay của Trung Quốc là Type-96 và Type-99 được thiết kế bắt đầu vào cuối những năm 1980, kéo dài đến những năm cuối của thập niên 2000. Tận dụng độ trễ về thời gian, liệu các nhà thiết kế Trung Quốc đã kịp ứng dụng những tiến bộ trong công nghệ để hoàn thiện hơn MBT của họ?

Type-96: Xe tăng thời kỳ quá độ

Xe tăng Type-96 có thể được xem là loại MBT hiện đại đầu tiên mà Trung Quốc tự lực phát triển. Nhưng Type-96 chỉ là dòng tăng trong giai đoạn quá độ, lấp chỗ trống giữa dòng xe tăng thế hệ 2 của Trung Quốc là Type-88 với một dòng tăng ngang tầm với các MBT hàng đầu thế giới như T-90 của Nga hay M1A1 Abram của Mỹ.

Chiếc Type-96 đầu tiên được đưa vào biên chế trong quân đội Trung Quốc vào năm 1997 và đến năm 2008 đã có khoảng 1.500 chiếc được trang bị cho quân đội Trung Quốc.

Tuy tự nhận là một MBT hoàn toàn do các nhà thiết kế Trung Quốc tự phát triển, nhưng giới quan sát vẫn dễ dàng nhận ra ảnh hưởng của cả trường phái tăng Liên Xô và phương Tây. Type-96 kết hợp giữa khung gầm và tháp pháo kiểu Liên Xô với công nghệ phương Tây.

Type-96 được trang bị pháo nòng trơn 125 mm ZPT98, một bản sao của khẩu 2A46M của Liên Xô/ Nga (trang bị từ dòng T-72 trở đi). Hệ thống điều khiển hỏa lực (FCS) dựa trên các hệ thống Marconi trước đó được nhập khẩu từ Italia.

FCS bao gồm một máy đo cự ly bằng laser (LRF), hệ thống ổn định pháo và ổn định kính ngắm của xạ thủ. Tuy nhiên với một chiếc MBT ra đời muộn, nhưng động cơ chỉ có công suất thấp (780hp), dẫn đến khả năng cơ động của Type-96 hạn chế.

Đánh giá chung, Type-96 là một thiết kế chấp nhận được trong tình hình Trung Quốc bị phương Tây cấm vận nghiêm ngặt về công nghệ quốc phòng. Điểm yếu của xe đó là lớp giáp khá mỏng, vẫn là một thiết kế theo công nghệ cũ, không thể sánh với các thiết kế hiện đại của Nga và phương Tây.

Để so sánh, các thế hệ MBT của Mỹ vào thời điểm đó được bảo vệ bằng lớp giáp M829A2; xe tăng của Nga với giáp composite, những chỗ cần tăng cường bảo vệ được lắp thêm giáp phản ứng nổ (ERA) Kontakt-5 hạng nặng phía trước; trong khi đó Type-96 phiên bản cơ bản thậm chí không có ERA hạng nhẹ.

Trung Quốc dồn tổng lực phát triển xe tăng hàng nhái: Đâu là đối thủ chính? - Ảnh 1.

Xe tăng Type-96 được vận chuyển bằng tàu hỏa

Từ những điểm yếu về giáp bảo vệ, Trung Quốc đã tiến hành nâng cấp giáp xe bằng cách lắp thêm ERA hạng nặng lên các vị trí trọng yếu. Phiên bản mới nâng cấp có tên gọi Type-96A và có hình dạng tháp pháo khác biệt đáng kể so với Type-96.

Những giáp hộp có độ bảo vệ yếu trên Type-96 được thay thế bằng các tấm ERA (một số công nghệ sau này đã được áp dụng cả trên Type-99). Việc cải tiến nâng cấp giáp của Type-96 giúp nâng cao đáng kể mức độ bảo vệ xe.

Hệ thống điều khiển hỏa lực và tháp pháo cũng được nâng cấp nhỏ, mặc dù không có gì quá quan trọng. Một máy thu cảnh báo bằng laser cũng được thêm vào phía sau tháp pháo để cải thiện khả năng phòng thủ. Một màn hình nhiệt cũng được thêm vào trong cho vị trí trưởng xe.

Sau khi nâng cấp, trọng lượng của Type-96A tăng lên; do vậy động cơ với công suất khá khiêm tốn 780hp không thể đáp ứng yêu cầu; tuy nhiên việc nâng cấp động cơ khá chậm chạp.

Quân đội Trung Quốc đã sử dụng chiếc Type-96A trong cuộc thi đấu thể thao quân sự Biathlon tổ chức tại Nga năm 2014. Kíp xe phàn nàn rằng công suất động cơ quá yếu, không thể sánh được với chiếc T-72B3 sử dụng động cơ 1.000 hp; do vậy chiếc Type-96A thất bại là điều đã được dự báo trước.

Do vậy, chiếc Type-96A được tiếp tục nâng cấp lên phiên bản Type-96B, thay thế động cơ cũ bằng động cơ mới có công suất đến 1.130hp. Xe cũng nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực; lắp thêm điều hòa không khí, đảm bảo cho kíp xe có thể hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết và một trạm vũ khí điều khiển từ xa.

Phiên bản nâng cấp Type-96B nó thể là phiên bản nâng cấp mới nhất của dòng MBT này của Trung Quốc.

Trung Quốc dồn tổng lực phát triển xe tăng hàng nhái: Đâu là đối thủ chính? - Ảnh 2.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Type 96B của Trung Quốc

Type-99: Xe tăng chủ lực của PLA trong tương lai

Như đã đề cập ở trên, Type-96 là MBT thời kỳ quá độ, là gạch nối giữa MBT thế hệ cũ và MBT thế hệ mới ngang tầm đẳng cấp với những loại xe tăng tốt nhất của Mỹ và Nga và phương Tây như Abrams, Leopard 2 và T-80.

Mục đích của Trung Quốc là hướng tới thiết kế MBT hiện đại mang tên Type-99, để có thể cạnh tranh được với các loại MBT chủ lực hàng đầu của Nga và phương Tây.

Thiết kế của Type-99 đầu tiên đã được hoàn thành vào khoảng năm 1998, và chiếc xe tăng lần đầu tiên được thấy trong cuộc diễu hành vào năm 1999. Các mẫu sản xuất thử nghiệm này được trang bị cùng một khẩu pháo 125mm mà Type-96 sử dụng.

Thiết kế cơ bản của Type-99 được trang bị hệ thống quan sát toàn cảnh cho cả trưởng xe, lái xe và pháo thủ; hệ thống có khả năng tìm và diệt, theo dõi - nhận diện mục tiêu; trưởng xe có thể bắn bên cạnh pháo thủ…

Đây là một cải tiến đáng kể so với Type-96 và tương đương với tính năng của M1A1, Leopard 2A4 và T-72B3.

Xe được trang bị động cơ có công suất 1.200 hp trong phiên bản thử nghiệm, công suất đó mạnh hơn so với T-72B3 và cả T-90.

Tuy nhiên, thiết kế này đã không đi vào sản xuất do những sai sót trong thiết kế và bố trí lớp giáp của nó. Type-99 phải tiến hành thiết kế lại. Một phiên bản sửa đổi được gọi là Type-99 Phase-I được hoàn thành năm 2008. Phiên bản Type-99 mới này với tháp pháo góc cạnh tương tự như MBT Leopard 2A5 và các tấm giáp ERA được lắp trên tháp pháo và quanh thân xe.

Sau khi được thiết kế lại toàn bộ, phiên bản mới có tên là Type-99A với động cơ có công suất lên tới 1.500 hp; hình dáng của thân xe cũng được thay đổi, Type-99A giống với chiếc MBT M1 Abrams của Mỹ, chứ không giống hình dạng tháp pháo tròn như các loại xe tăng của Liên Xô trước kia.

Tháp pháo cũng được thiết kế lại, rộng hơn và có lớp giáp dày hơn; Type-99A có tất cả các tính năng trên một chiếc xe tăng hiện đại: đó là hệ thống quan sát toàn cảnh độc lập, kính ngắm ảnh nhiệt, hệ thống phòng hộ chủ động APS gắn với bộ thu cảnh báo laser.

Trung Quốc dồn tổng lực phát triển xe tăng hàng nhái: Đâu là đối thủ chính? - Ảnh 3.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Type 99 của Trung Quốc

Đánh giá tính năng kỹ chiến thuật 2 MBT chủ lực của Trung Quốc

Nếu so sánh chiếc Type-96B (phiên bản cải tiến hiện đại nhất của Type-96) vẫn còn tương đối yếu so với các xe tăng "tiền tuyến" của các quốc gia khác; do lớp giáp lạc hậu, các tấm ERA chỉ có thể cải thiện khả năng bảo vệ cho lớp giáp chính của Type-96B.

Ưu điểm của Type-96B chính là khẩu pháo 125mm và hệ thống kiểm soát hỏa lực hiện đại, đây sẽ là mối đe dọa nguy hiểm các mục tiêu, mặc dù lớp giáp của nó dễ bị đánh bại.

Nhưng chiếc Type-99A mới thì là một MBT hoàn chỉnh. Với hệ thống giáp bảo vệ và hệ thống cảm biến được nối mạng tiên tiến, nó có thể là một đối thủ khó chịu. Tuy nhiên, chất lượng hệ thống quan sát ảnh nhiệt của Trung Quốc chưa được kiểm chứng về chất lượng.

Hiện nay, xe tăng M1A2C mới nhất của Mỹ được trang bị hệ thống quan sát ảnh nhiệt thế hệ thế hệ thứ ba, có khả năng phát hiện và nhận diện mục tiêu trong phạm vi nhiệt độ môi trường; đây là một lợi thế với xe tăng Mỹ. Tương tự, các xe tăng hàng đầu của Nga cũng được trang bị hệ thống quan sát như vậy.

Trung Quốc dồn tổng lực phát triển xe tăng hàng nhái: Đâu là đối thủ chính? - Ảnh 4.

Chiếc xe tăng Type 96B số hiệu 109 của đội Trung Quốc bị rơi bánh khi đang thi đấu tại Tank Bathlion 2016 tổ chức tại Nga

Type-96 và Type-99A đều thiết kế hệ thống nạp đạn tự động theo kiểu xe tăng của Liên Xô; nhưng do cấu tạo đạn pháo để xung quanh xe, nếu xe bị trúng đạn, sẽ rất nguy hiểm cho kíp xe.

Cuối cùng, Type-99A có thể là mối đe dọa nguy hiểm cho các loại xe tăng cũ có trong biên chế của quân đội Mỹ và phần lớn MBT của Nga, nhưng cả hai phiên bản mới nhất của xe tăng Mỹ và Nga (M1-A2C và T14 Armata) đều có khả năng đánh bại Type-99A trong một trận đấu tăng tay đôi.

Thực chất, Type 99A được sao chép từ nhiều mẫu xe tăng khác như T-72, Leopard và M1. Động cơ nhái kiểu diesel MTU 871 Đức; nòng pháo, thân xe và giáp ERA kiểu T-72 nguyên thủy; tháp pháo Leopard; khoang đuôi kéo dài chứa đạn kiểu M1 và nặng cỡ M1A2.

Quan trọng là triết lý sử dụng xe tăng của quân đội Trung Quốc thực chất chưa biết đối phó với đối thủ nào (Mỹ hay Nga), trái ngược hẳn với các xe tăng mới nhất của Mỹ và Nga ngay từ đầu, các nhà thiết kế đã xác định được đối thủ để xác định các thông số kỹ chiến thuật.

Xe tăng Type-96B Trung Quốc rụng bánh chịu nặng tại Tank Biathlon 2016 ở Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại