“Thung lũng Silicon Bangalore” của Ấn Độ có hơn 100 công ty công nghệ hàng đầu chọn đặt đại bản doanh
Trong bối cảnh đó, Ấn Độ đã và đang nổi lên trở thành ứng cử viên tiềm năng cho vị trí “công xưởng thế giới”.
Trung Quốc vẫn hấp dẫn, nhưng…
Từ chuyện quan hệ chính trị và ngoại giao Trung Quốc và phương Tây “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, ngay lập tức biểu hiện trên khía cạnh kinh tế. Trước đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump là người “nổ phát súng” kêu gọi doanh nghiệp Mỹ hồi hương sau khi phát động chiến tranh thương mại với cường quốc châu Á.
Thuế quan bất thường là tác nhân trực tiếp khiến những công ty khổng lồ nảy sinh ý định rời khỏi “ công xưởng thế giới ”. Về lâu dài, đây không chỉ là khối lượng hàng hóa vài trăm tỷ USD chịu thuế 25- 30%, mà từ đó doanh nghiệp cảm nhận rủi ro ngày một tăng.
Đại dịch COVID-19 đã để lại bài học “không nên cho tất cả trứng vào một giỏ”. Khi tất cả hăng say đặt toàn bộ khả năng kiếm tiền ở Trung Quốc thì “cơn đột quỵ” trong chuỗi cung ứng toàn cầu phát tác, một nơi hàng đầy kho, còn một nơi chịu khủng hoảng thiếu. Nhiều giới chủ quốc tế “tiếc rẻ” vì đã không đặt một nhà máy khác ngoài Trung Quốc - gần hơn với thị trường tiêu thụ.
Nguy cơ phi truyền thống, rủi ro chính trị và mục đích cô lập Trung Quốc đã khiến Mỹ và châu Âu tính toán tạo lập chuỗi cung ứng mới - giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc, với sự hợp tác của Hà Lan, Đài Loan, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc trong sản xuất chất bán dẫn, pin xe điện, đất hiếm và các sản phẩm y tế. Riêng 4 nhóm ngành này đã kéo hàng trăm tỷ USD ra khỏi Trung Quốc.
Đồng thời, Washington đang xem xét một chương trình để chia sẻ nhanh chóng các mặt hàng này trong trường hợp khẩn cấp, cũng như thảo luận về việc đảm bảo kho dự trữ và năng lực sản xuất dự phòng. Các đối tác có thể được yêu cầu làm ăn ít hơn với Trung Quốc. Trong đó, Đài Loan phản ứng nhanh chóng, TSMC đã đầu tư xây dựng nhà máy chip tại Nhật Bản và Mỹ.
Nhu cầu tháo gỡ chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc là có thật, bị tác động tổng hợp bởi khách quan và chủ quan. Song, “thoát Trung” được dự báo là quá trình không dễ dàng. Ngoài chi phí, doanh nghiệp và các quốc gia phải tìm được bến đỗ lý tưởng. Hiện nay chỉ có châu Á mới đủ sức đảm đương trọng trách “sản xuất cho toàn thế giới”.
Ứng cử viên tiềm năng
Để tìm một điểm đến có thể tập hợp đại đa số công ty đa quốc gia ngoài Trung Quốc thì Ấn Độ đang là ứng cử viên sáng giá. Quốc gia này hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi, như dân số, lao động, hạ tầng công nghiệp, vị trí địa lý và tốc độ phát triển.
Dân số Ấn Độ hơn 1,4 tỷ người và đang trên đà soán ngôi Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất hành tinh. Điểm mạnh của dân số đông chính là lực lượng trong độ tuổi lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn. Tại quốc gia Nam Á, gần 1 tỷ người có thể tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế- điều này hơn hẳn Trung Quốc khi quốc gia này đang bước sang giai đoạn già hóa.
Có thể đặt cho Ấn Độ danh xưng “cường quốc…đang phát triển” bởi vì phần lớn dân cư sống tại nông thôn, thu nhập thấp, có xu hướng di cư về các đại đô thị như Bombay, Mumbai, Kolkata, Chennai, Delhi… tìm kiếm cơ hội, tạo ra những trung tâm cung ứng lao động khổng lồ.
Giống như Trung Quốc, hiện tượng “ly nông” ở quốc gia Nam Á tập hợp thành đội quân công nghiệp dự trữ - có thể làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, chấp nhận đời sống tinh thần, vật chất tối thiểu để có việc làm. Đây là điểm hấp dẫn hơn cả với các tập đoàn đa quốc gia.
Tuy hạ tầng công nghiệp của Ấn Độ phát triển không đồng đều, nhưng có khả năng quy tụ mật độ cao tại các trung tâm công nghiệp. Ở Mumbai, Kolkata có đầy đủ các ngành công nghiệp cơ bản nhất hiện nay: Dệt may, chế tạo máy bay, cơ khí, luyện kim màu, điện tử, hóa chất, công nghiệp thực phẩm, đồ gia dụng - có thể tổ chức sản xuất ở quy mô lớn.
Đơn cử, hệ thống doanh nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực ô tô tại Ấn Độ không hề thua kém Trung Quốc - với gần 1.000 công ty đang gia công cho những thương hiệu hàng đầu thế giới như Mercedes, GM, Toyota, Hyundai.
Đặc biệt, Ấn Độ sở hữu hạ tầng hỗ trợ kinh tế số thuộc nhóm tốt nhất thế giới, “thung lũng Silicon Bangalore” có hơn 100 công ty công nghệ hàng đầu chọn đặt đại bản doanh, nơi quy tụ gần 30.000 chuyên gia tinh túy nhất của nền công nghệ Ấn Độ.
Chính phủ ông Narrenda Modi rất giàu tham vọng hùng cường, với hàng loạt kế hoạch đồ sộ, như định vị Ấn Độ là trung tâm toàn cầu về thiết kế và sản xuất hệ thống điện tử (ESDM) dựa trên 3 trụ cột: Đề án Khuyến khích Liên kết Sản xuất (PLI); Đề án Thúc đẩy Sản xuất linh kiện điện tử và chất bán dẫn (SPECS) và Đề án cụm sản xuất điện tử sửa đổi (EMC 2.0) ra đời năm 2020.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế trong top 5 thế giới. Trong giai đoạn 2000 – 2020, tổng số vốn FDI vào Ấn Độ lên tới 722 tỷ USD. Để thu hút FDI, Ấn Độ đã miễn giảm thuế cho các dự án đầu tư mới trên 100 triệu USD và dành ra hơn 460.000 ha đất “sạch”. Ngoài ra, Ấn Độ chọn 10 trung tâm công nghiệp với 100 khu công nghiệp tốt nhất để giới thiệu cho 600 công ty nổi tiếng trên thế giới.
Bên cạnh đó, Ấn Độ có đặc điểm địa lý khá thuận lợi để phát triển mạng lưới giao thông vận tải đi khắp thế giới. Từ các cảng biển của nước này, các doanh nghiệp có thể chở hàng đến Châu Âu, Mỹ qua kênh đào Suez nhanh hơn từ Trung Quốc. Về đường bộ, Ấn Độ chỉ cách châu Âu hai quốc gia là Pakistan và Iran.