Trung Quốc đổ 5,7 nghìn tỷ san bằng sa mạc di động lớn thứ 2 thế giới, tạo nên công trình kéo dài 334 km

VÂN PHƯƠNG |

Theo Tân Hoa Xã, do Taklamakan là sa mạc di động nên dưới tác động của gió, các đụn cát liên tục "di chuyển" vị trí, khiến mặt đường dễ bị lấp.

Vào ngày 30/6/2022, tuyến đường xuyên qua sa mạc từ huyện Úy Lê đến huyện Thả Mạt ở Tân Cương (Trung Quốc) đã chính thức được thông xe.

Theo Tân Hoa Xã, tuyến đường sa mạc này được khởi công xây dựng từ tháng 10/2017, có tổng chiều dài 334 km, tổng mức đầu tư ước tính là 1,754 tỷ NDT (khoảng 5,773 nghìn tỷ VND).

Xây dựng 334 km mất gần 5 năm

Làm đường không thể tách rời nước và nước ngọt thực sự quý hơn vàng trên sa mạc.

Ở sa mạc Taklamakan, lượng mưa trung bình hàng năm dưới 100 mm nhưng lượng bốc hơi cao tới 3000 mm. Nhiệt độ cao và khô hạn khiến nước ngọt ở đây cực kỳ hiếm.

Mặc dù Taklamakan có nguồn nước ngầm nhưng chất lượng nước rất kém, hàm lượng muối cao.

Khắc phục tình trạng thiếu nước, nhà thầu Trung Quốc đã áp dụng phương pháp nén khô, tức nén trực tiếp cát để tạo thành nền cát. Sau đó trải một lớp vải địa kỹ thuật trên nền cát, rồi lần lượt trải vật liệu đá trộn hỗn hợp khác.....

"Chúng tôi đã giải quyết được vấn đề kỹ thuật then chốt là lấp nền đường bằng cát. Quá trình này tận dụng triệt để các vật liệu sẵn có ở sa mạc và giảm rất nhiều chi phí xây dựng đường", Vương Vân Phi, Giám đốc dự án cho biết.

Còn theo ông Trình Lực, trưởng dự án của Viện Khảo sát và Thiết kế Quy hoạch Giao thông Vận tải Tân Cương, khó khăn nhất của việc xây dựng đường trên sa mạc là con đường xuyên qua những ngọn đồi cát cao và rậm rạp, có tổng cộng 32 ngọn đồi cát cao được san bằng, 28 chỗ trũng được lấp đầy, ngọn đồi cát lớn nhất mất gần nửa năm san bằng.

Trung Quốc đổ 5,7 nghìn tỷ san bằng sa mạc di động lớn thứ 2 thế giới, tạo nên công trình kéo dài 334 km - Ảnh 1.

Trung Quốc xây đường trên sa mạc. Ảnh: Xinhua

Taklamakan có nghĩa là dễ vào khó ra. Một phần ba thời gian trong một năm ở sa mạc này là những ngày gió thổi cát bay, cộng với việc tiếp xúc lâu dài với ánh nắng gay gắt, nhiệt độ bề mặt thậm chí có thể lên tới 70 độ C.

Để đảm bảo an toàn, các công nhân chỉ có thể làm việc từ buổi tối đến sáng sớm khi nhiệt độ thấp, tránh thời gian nóng nhất trên sa mạc. Mặc dù vậy, cái nóng của sa mạc vẫn khiến công nhân phải uống gần 20 lít nước mỗi ngày.

"Bịt gió chặn cát"

Sa mạc Taklamakan là sa mạc di động lớn thứ hai trên thế giới, dưới tác động của gió, các đụn cát sẽ liên tục "di chuyển" vị trí. Điều này đồng nghĩa với việc mặt đường mới được xây dựng sẽ bị vùi lấp nếu xuất hiện cơn gió mạnh.

"Điều đáng sợ nhất trên sa mạc là gió và cát. Khi gió và cát tấn công, dự án không chỉ dừng hoạt động mà thậm chí còn phải làm lại", ông Tỉnh Văn Vân, kỹ sư trưởng của dự án, cho biết.

Do đó, công nhân Trung Quốc áp dụng phương pháp lưới dựng lưới cỏ tức và rào chắn cát, tức làm cho mặt đất gồ ghề, giảm lực gió và chặn cát lún. Bằng phương pháp này, một hệ thống chặn cát ba chiều và nhiều lớp được thiết lập.

Những cây sậy mọc ở vùng đất ngập nước đã đóng một vai trò to lớn trong sa mạc khô cằn và trở thành một "công cụ cố định cát".

Những thân cây sậy được phơi khô kết thành những khối hình vuông có cạnh 1m, tạo thành những mảng lưới cỏ phân bổ dọc hai bên đường.

Trung Quốc đổ 5,7 nghìn tỷ san bằng sa mạc di động lớn thứ 2 thế giới, tạo nên công trình kéo dài 334 km - Ảnh 2.

Mất 5 năm để Trung Quốc hoàn thành tuyến đường dài 334km này. Ảnh: Xinhua

Khi những thân sậy mảnh khảnh được bó sát vào nhau và đan thành lưới cỏ, chúng có đủ sức mạnh để chống chọi với gió cát hung dữ. Lớp ngoài của lưới cỏ là hai hàng chắn cát cách nhau 10m.

Khi gió và cát ập đến, chúng trước tiên cần vượt qua hai hàng rào cát ngoài cùng, như vậy tốc độ gió sẽ giảm và cát sẽ bị chặn lại, sau đó lại đi qua những ô cỏ dài hàng chục mét. Như vậy cát sẽ khó tiếp cận mặt đường, tránh gây hư hỏng.

Sau gần hai năm thi công, khoảng 70.000 tấn lau sậy dệt thành hơn 58 triệu m2 lưới cỏ hai bên đường. Tổng chiều dài của các cây sậy là khoảng 7,26 triệu km. Nếu tất cả các cây sậy này được nối với nhau, chúng có thể quay quanh đường xích đạo của trái đất khoảng 180 lần.

Tại sao Trung Quốc lại xây dựng con đường này?

Quận Thả Mạt là quận xa xôi nhất ở Tân Cương. Việc mở đường xuyên sa mạc đã rút ngắn khoảng cách giữa "thị trấn nhỏ bên chân trời" với thành phố Korla khoảng 350 km, rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn 6 tiếng, thay vì 12 tiếng như trước kia.

Việc thông xe tuyến đường xuyên sa mạc cũng đã tăng thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp địa phương.

Công ty TNHH Phát triển Chăn nuôi Tắc Nguyên Tân Cương có hơn 6.000 con gia súc cho biết: "Con đường này giúp tiết kiệm gần 1.000 NDT chi phí vận chuyển và chăn nuôi đối với mỗi con bò. Chúng tôi dự định đầu tư thêm 500 triệu NDT để mở rộng quy mô chăn nuôi".

Ngoài ra, việc mở tuyến đường sa mạc này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển du lịch và khai thác dầu khí trong tương lai ở Tân Cương của Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại