Các nỗ lực phát triển, thử nghiệm và mua sắm máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 Su-57 của Nga lâu nay đã liên tục bị đình trệ với nhiều thất bại và chậm trễ.
Mặc dù có nhiều tiến triển đã được ghi nhận nhưng những vấn đề diễn ra với Su-57 dường như vẫn đang “bủa vây” mọi khía cạnh trong quá trình phát triển dòng máy bay thế hệ 5 này, đặc biệt là sau vụ tai nạn của một nguyên mẫu ngày 24/12/2019 tại khu vực Khabarovsk, ở Nga.
Giới chuyên gia về không quân Nga thường bác bỏ những chỉ trích nhằm vào Su-57 bằng cách khẳng định rằng những đánh giá tiêu cực như vậy bắt nguồn từ việc "phóng đại" công trạng của các máy bay chiến đấu tàng hình F-22 hoặc F-35 của Mỹ.
Trong khi Bộ Quốc phòng Nga đã đặt mua 76 chiếc Su-57 vào năm 2027 nhưng những tin tức gần đây cho thấy máy bay có thể sẽ phải tiếp tục được hiệu chỉnh trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.
Một trong những sửa đổi như vậy có liên quan tới hệ thống truyền động thủy lực của máy bay và sẽ được thay thế bằng hệ thống cơ điện. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên cho phiên bản Su-57 nâng cấp dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2022. Mục đích của việc nâng cấp này là để giảm bớt chi phí bảo trì trong tương lai và tăng hiệu quả hoạt động của máy bay.
Theo các chuyên gia không quân ở Moscow, nhiều hãng truyền thông quốc tế chỉ trích Su-57 thường xuất phát từ quá trình phát triển kéo dài của nó cũng như những điểm bất lợi khi so sánh với F-22 của Mỹ.
Một số ấn phẩm quốc phòng ở Mỹ, Italia và Trung Quốc cho rằng Su-57 chưa thể sẵn sàng tham chiến với các đối thủ công nghệ cao. Nhiều nghi vấn được đặt ra liên quan tới động cơ cũng như các yếu tố có thể bộc lộ thách thức với khả năng tàng hình của Su-57. Một bài viết của Trung Quốc thậm chí còn kết luận rằng Su-57 chỉ nên được phân loại là máy bay chiến đấu thế hệ 4.
Năm 2018, Ấn Độ đã quyết định rút khỏi chương trình hợp tác chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 5 với Nga. Không quân Ấn Độ đánh giá Su-57 thiếu khả năng tàng hình mạnh mẽ, động cơ yếu và việc triển khai chương trình thì quá chậm trễ.
Những trì hoãn liên tục kết hợp với các sửa đổi mới được công bố gần đây cho thấy Su-57 có thể sẽ còn phải đối diện với nhiều vấn đề tiềm ẩn nghiêm trọng hơn.
Cho đến nay, mới chỉ có 13 nguyên mẫu Su-57 đang hoạt động, trong đó 3 chiếc được dành riêng cho các thử nghiệm trên mặt đất và 10 chiếc để thử nghiệm bay. Vụ tai nạn Su-57 hồi tháng 12/2019 chắc chắn là một thất bại mới cho Cục thiết kế Sukhoi, đơn vị phát triển dòng máy bay này.
Máy bay Su-57 với động cơ "Sản phẩm số 30" trong chuyến bay thử đầu tiên.