Chiều 29/2, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc điều tàu hải cảnh hoạt động phi pháp trong khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam thời gian gần đây, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, lập trường của Việt Nam đối với bãi ngầm Tư Chính là nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần.
Theo đó, bãi ngầm Tư Chính là một phần của thềm lục địa Việt Nam và được xác lập hoàn toàn phù hợp với Công ước Luật biển của LHQ (UNCLOS) năm 1982, bà Hằng khẳng định.
Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của VN được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển của LHQ.
"Việt Nam đang và sẽ kiên trì bảo vệ các lợi ích hợp pháp, chính đáng trên biển của mình bằng các biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế", Người Phát ngôn Bộ Ngoại Việt Nam nêu rõ.
Trước đó, dữ liệu từ Marine Traffic cho thấy tàu hải cảnh 5901 của Trung Quốc hiện diện tại khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam trong nhiều ngày.
Trước đó, vào tháng 5/2023, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 được hộ tống bởi hai tàu hải cảnh và nhiều tàu cá Trung Quốc hướng đến khu vực bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút nhóm tàu khỏi vùng biển Việt Nam. Ngày 5/6, nhóm tàu này đã rời khỏi vùng biển Việt Nam.
Năm 2019, tàu nghiên cứu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc cũng hoạt động trái phép trong vùng biển này.