Mặc cả mạo hiểm
Thiếu tướng Hải quân về hưu R.S Vasan của Ấn Độ mới đây có bài viết vạch trần âm mưu vừa đe dọa vừa dụ dỗ của Trung Quốc. Lần này, con bài mặc cả là quần đảo Andaman – Nicobar.
Theo báo chí Ấn Độ, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ đã đưa ra đề nghị New Delhi ủng hộ yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông để đổi lấy việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp biên giới dai dẳng giữa hai nước.
Đại sứ Trung Quốc đề xuất, một số nơi ở biên giới hai nước có thể được phân định theo đường McMahan nếu Ấn Độ ủng hộ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đề xuất này được đưa ra hôm 19/4 khi một số học giả Ấn Độ được mời tham dự hội thảo về Biển Đông tại New Delhi. Đại sứ Trung Quốc nêu rõ: “Một ngày nào đó trong tương lai có thể xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu đối với quần đảo Andaman và Nicobar”.
Tướng hải quân về hưu Vasan
Giới nghiên cứu Ấn Độ đã ngay lập tức lên tiếng cảnh báo Ấn Độ cần tăng cường bảo vệ quần đảo Andaman và Nicobar - vốn có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược phòng thủ hàng hải của Ấn Độ.
Khi các chuyên gia hàng hải của Ấn Độ tới thăm Trung Quốc hồi tháng 5/2016, phía Trung Quốc một lần nữa đe dọa “một ngày trong tương lai có thể xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu đối với quần đảo Andaman và Nicobar”.
Theo tướng Vasan, Trung Quốc rõ ràng đã biết trước phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Hay (Hà Lan) gây bất lợi cho mình và cố tìm sự ủng hộ ở nhiều cấp độ khác nhau cũng như giảm thiểu các lập luận chống lại Bắc Kinh.
Trung Quốc đã không bỏ qua Ấn Độ - quốc gia láng giềng khổng lồ và có tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết, mặc dù hai bên đã trải qua 18 vòng đàm phán. Tranh chấp biên giới vẫn là cái gai trong quan hệ song phương.
Chuyên gia Ấn Độ cho rằng việc Trung Quốc đưa vấn đề quần đảo Andaman và Nicobar, thể hiện rõ năng lực nhìn xa của Trung Quốc, nhưng mặt khác cũng chỉ ra sự khôn ngoan của Bắc Kinh trong việc tranh thủ sự ủng hộ của các nước khác.
Ngay sau phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc lên tiếng sẽ tham gia đàm phán song phương với Chính phủ Philippines để đảm bảo rằng không có phản ứng dữ dội ở Biển Đông.
Bất kỳ sự thay đổi nguyên trạng nào ở Biển Đông sẽ gây bất lợi cho kế hoạch dài hạn của Trung Quốc trong khẳng định tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh với các yêu sách phi lý dựa trên “quyền lịch sử”.
Áp đáo tại gia
Quần đảo Andaman và Nicobar được đánh giá có tầm quan trọng chiến lược với Ấn Độ. Sau khi người Anh rút khỏi Ấn Độ, quần đảo Andaman và Nicobar trở thành một phần của Ấn Độ vào năm 1950 và được hình thành vùng lãnh thổ liên minh vào năm 1956.
Lịch sử Ấn Độ ghi nhận vai trò của Chola và Marathas như là những người sở hữu các đảo này và sử dụng chúng để đẩy mạnh tham vọng chiến lược.
Rajendra Chola (sinh năm 1014, mất năm 1042) đã chinh phục quần đảo Andaman - Nicobar và sử dụng nó để tiến hành các cuộc chiến tranh chống lại Đế chế Wijaya ở Sumatra.
Trong thế kỷ 17, nơi đây được sử dụng như một căn cứ của đế chế Maratha và được lãnh đạo bởi Đô đốc Kanhoji Angre, dũng cảm chiến đấu chống lại quân Anh và Hà Lan.
Tướng Vasan nhấn mạnh việc Trung Quốc gợi lên tranh chấp trong tương lai đối với quần đảo Andaman - Nicobar đã gây ngạc nhiên. Cho tới nay, chưa có bất kỳ nghi ngờ gì về quyền sở hữu của Ấn Độ đối với các quần đảo này và trong lịch sử, Trung Quốc cũng không có sự hiện diện tại đây.