Theo báo Asia Times hôm 16-6, "chủ nghĩa cơ hội chiến lược" của Trung Quốc ở biển Đông trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) hoành hành đã giúp tái khởi động liên minh Philippines - Mỹ. Minh chứng rõ ràng nhất là việc Tổng thống Rodrigo Duterte gần đây quyết định tiếp tục duy trì Hiệp ước các lực lượng thăm viếng với Mỹ (VFA) thay vì huỷ bỏ như tuyên bố trước đó.
Ngay sau động thái trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 12-6 điện đàm với người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana để cám ơn, đồng thời cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ các đồng minh khu vực, gồm cả phát triển vắc-xin và phương pháp điều trị Covid-19.
Cuộc trao đổi giữa hai quan chức quốc phòng cấp cao đánh dấu một bước tiến trong quan hệ song phương. Hồi tháng 2, sau khi nhận được thông báo ông Duterte hủy VFA, Bộ trưởng Quốc phòng Esper cho rằng Philippines đã đi "lệch hướng" trong bối cảnh Mỹ và các nước khu vực thúc giục Trung Quốc phải tuân thủ quy tắc trật tự quốc tế.
Trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc thực hiện một loạt hành động phi pháp ở biển Đông, góp phần củng cố cho cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng cuộc khủng hoảng Covid-19 để tăng cường vị thế của mình trong vùng biển tranh chấp.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr cho rằng việc nước này đảo ngược quyết định nhằm ứng phó với "sự thay đổi nhanh chóng và rộng lớn của tình hình thế giới trong bối cảnh dịch bệnh và sự gia tăng căng thẳng giữa các cường quốc".
Ông Locsin Jr cho hay: "Chúng tôi mong đợi tiếp tục duy trì quan hệ quân sự mạnh mẽ với Mỹ trong khi chúng tôi cùng với đồng minh trong khu vực xây dựng hệ thống phòng thủ chung để hướng tới ổn định, hòa bình, phát triển kinh tế và thịnh vượng khu vực".
Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho rằng việc Trung Quốc tăng cường các hành vi gây hấn ở biển Đông đã đóng vai trò quan trọng khiến ông Duterte thay đổi quyết định.