Trung Quốc đau đầu với "nỗi khổ riêng": Xương sống kinh tế lung lay, các chỉ số bất lợi đạt đỉnh

Duy Anh |

Trong khi các ngân hàng trung ương ở các nước phát triển đang phải vật lộn với lạm phát cao thì Trung Quốc lại đang gặp vấn đề ngược lại: giảm phát.

Công nhân làm việc trên một dây chuyền lắp ráp sản xuất loa tại một nhà máy ở Fuyang, tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc. Ảnh: AFP

Công nhân làm việc trên một dây chuyền lắp ráp sản xuất loa tại một nhà máy ở Fuyang, tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc. Ảnh: AFP

Các nước vật lộn với lạm phát, Trung Quốc gặp giảm phát

Bắc Kinh tiết lộ trong tuần trước rằng, giá tiêu dùng ở nước này không thay đổi trong tháng 6 so với 1 năm trước đó trong khi giá sản xuất giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2016.

Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát của Mỹ ở mức 9,1% vào tháng 6 năm ngoái và ở mức 3% vào tháng trước bất chấp nhiều đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên Bang nước này. Ngay cả Nhật Bản - từng là quốc gia tiêu biểu cho vấn đề giảm phát cũng đưa ra con số lạm phát tương đối cao là 3,2% trong tháng 5.

Các nền kinh tế phát triển đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi giá năng lượng và lương thực tăng vọt khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhưng các biện pháp kiểm soát giá năng lượng ở Trung Quốc đã bảo vệ nước này khỏi biến động. Thay vào đó, Trung Quốc lại có nguy cơ gặp vấn đề về giảm phát do nhu cầu người tiêu dùng và đầu tư tư nhân thấp trong khi nền kinh tế đang dần hồi phục sau dịch Covid-19.

Financial Times (FT) cho biết, khi Trung Quốc công bố số liệu về tăng trưởng GDP vào hôm 17/7, các nhà kinh tế sẽ theo dõi chặt chẽ vấn đề sức khỏe của nền kinh tế nước này và liệu các nhà hoạch định chính sách có thể làm gì để phục hồi kinh tế.

Trung Quốc đau đầu với nỗi khổ riêng: Xương sống kinh tế lung lay, các chỉ số bất lợi đạt đỉnh - Ảnh 1.

4 thách thức lớn và các chỉ số "đạt đỉnh"

Sáng ngày 17/7, Trung Quốc công bố tăng trưởng GDP quý II/2023 đạt 6,3% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn đáng kể so với con số dự báo trước đó là 7,3%. Trong khi đó, GDP Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 5,5%, đạt 59,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 8.300 tỷ USD).

CNN nhận định, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với một số thách thức.

Thứ nhất , người tiêu dùng ngày càng thận trọng trong việc chi tiêu.

Dữ liệu hôm 17/7 cho thấy doanh số bán lẻ tăng 3,1% trong tháng 6, thấp hơn đáng kể so với mức 12,7% của tháng 5. Nó đánh dấu mức tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 12/2022 , khi Bắc Kinh loại bỏ hầu hết các hạn chế chống dịch.

Thứ hai, khối doanh nghiệp tư nhân - xương sống của nền kinh tế và là nguồn tạo công ăn việc làm lại đang do dự trong việc tuyển dụng hoặc đầu tư. T ỷ lệ thất nghiệp của người trẻ ở Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục.

Thứ ba, thị trường bất động sản của Trung Quốc vẫn "sa lầy". Đầu tư vào ngành bất động sản đã giảm 7,9% trong 6 tháng đầu năm nay.

Và cuối cùng, nền kinh tế toàn cầu cũng đang suy thoái gây ra khó khăn cho Trung Quốc. Theo số liệu hải quan công bố vào tuần trước, xuất khẩu đã giảm 12,4% trong tháng 6 - tốc độ nhanh nhất trong 3 năm. Nhập khẩu giảm 6,8%, tệ hơn so với dự đoán của thị trường.

Trung Quốc đau đầu với nỗi khổ riêng: Xương sống kinh tế lung lay, các chỉ số bất lợi đạt đỉnh - Ảnh 2.

Tại sao Trung Quốc đi ngược xu hướng lạm phát toàn cầu?

Trung Quốc là nền kinh tế lớn cuối cùng trên thế giới gỡ bỏ các hạn chế về đại dịch Covid-19.

Giống như các quốc gia khác, Trung Quốc đã tìm cách chống lại các tác động kinh tế tiêu cực của dịch bệnh bằng cách duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp.

Tuy nhiên, kích thích tài chính của Bắc Kinh chủ yếu được dùng cho các lĩnh vực như chi tiêu cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp dưới hình thức giảm thuế, cắt giảm các khoản thanh toán an sinh xã hội bắt buộc đối với tiền lương và các biện pháp khác nhằm ngăn chặn tình trạng thất nghiệp.

Mỹ và các nước phương Tây cũng phải chịu những hạn chế từ phía nguồn cung khi mọi người rời bỏ lực lượng lao động và chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Ở Trung Quốc - nơi được gọi là công xưởng của thế giới - sẽ gặp ít vấn đề về chuỗi cung ứng hơn. Công dân Trung Quốc được yêu cầu ở nhà lâu hơn và nhiều doanh nghiệp đóng cửa dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Biến động kể trên cũng làm ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, khiến giá sản xuất giảm.

Đồng thời, nhiều khu vực gặp khó khăn trong vấn đề nợ nần. Các công ty tư nhân bị dư thừa công suất sản xuất và do cảm nhận được nhu cầu đang giảm xuống của người tiêu dùng, họ không sẵn sàng đầu tư.

Trung Quốc đau đầu với nỗi khổ riêng: Xương sống kinh tế lung lay, các chỉ số bất lợi đạt đỉnh - Ảnh 3.

Giảm phát mang ý nghĩa gì với Trung Quốc?

Các nhà phân tích cho biết, mối nguy hiểm đối với các nhà hoạch định chính sách là khả năng xu hướng giảm phát ăn sâu vào kỳ vọng của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Các công ty sẽ tiếp tục trì hoãn đầu tư khi lợi nhuận dần đi xuống, trong khi người tiêu dùng sẽ chi tiêu ít hơn do lo lắng về an ninh việc làm và giá bất động sản tiếp tục giảm.

FT cho biết, có bằng chứng cho thấy lĩnh vực bất động sản sau khi ổn định vào đầu năm lại đang trên đà đi xuống. Các nhà kinh tế cảnh báo về khả năng giá tiêu dùng yếu hơn nữa.

Giá thực phẩm cũng không ổn định: chẳng hạn như giá thịt lợn giảm đã ảnh hưởng đến giá tiêu dùng trong tháng 6 do nguồn cung mạnh còn nhu cầu lại yếu.

Các nhà kinh tế tin rằng Trung Quốc cần đẩy nhanh và mạnh hơn nữa các gói hỗ trợ để kích thích tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại