Trung Quốc đau đầu vì "chảy máu chất xám" sang Mỹ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

Tấn Minh |

Một phân tích mới cho thấy số lượng các nhà nghiên cứu AI của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần trong thập kỷ qua, nhưng đại đa số họ lại sống ở nước ngoài.

Trung Quốc đã triển khai nỗ lực nhằm đưa đất nước trở thành một siêu cường về trí tuệ nhân tạo trong vài năm trở lại đây. Họ xem đây là một vấn đề cần đặc biệt chú ý từ đầu năm 2012, và trong nă 2017 đã công bố một chiến lược quốc gia nhằm phát triển và tận dụng công nghệ này.

Trong một phân tích mới thực hiện gần đây, Joy Dantong Ma, Phó Giám đốc MacroPolo, một công ty nghiên cứu tại Chicago chuyên về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, đã chỉ ra những tác động của chiến lược này lên các tài năng AI của Trung Quốc. Cụ thể, bản báo cáo này phân tích tác giả của những bài nghiên cứu được chấp thuận bởi NeurIPS, một trong những hội thảo quốc tế về AI uy tín nhất thế giới, và phát hiện ra rằng số lượng tác giả thực hiện nghiên cứu tại Trung Quốc trong thập kỷ qua đã tăng lên gấp gần 10 lần. Trong khi vào năm 2009, chỉ có khoảng 100 nhà nghiên cứu Trung Quốc, chiếm 14% tổng số tác giả, thì năm 2018 con số này đã tăng lên gần 1.000, chiếm đến 1/4. Mức tăng cao nhất diễn ra giữa 2017 và 2018, sau khi chiến lược quốc gia được công bố, chủ yếu xuất phát từ việc các trường Đại học hạng hai đua nhau mở các chương trình chuyên môn và các chương trình bằng cấp về AI.

Thế nhưng, mặc cho thành công vang dội trong việc ươm mầm tài năng trong nước, Trung Quốc lại đang phải vật lộn để giữ chân họ lại. Gần 3/4 số tác giả người Trung Quốc trong nghiên cứu hiện làm việc ở nước ngoài, và 85% làm việc tại Mỹ - có thể trong các công ty công nghệ lớn như Google và IBM, hay các đại học như UCLA và Đại học Urbana-Champaign ở Illinois.

Trung Quốc đau đầu vì chảy máu chất xám sang Mỹ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo - Ảnh 1.

Trung Quốc là quốc gia có nhiều nghiên cứu khoa học về AI nhất thế giới

Trong số 4 yếu tố lớn của hệ sinh thái AI tại Trung Quốc - tài năng, dữ liệu, vốn đầu tư, và phần cứng - yếu tố đầu tiên có tác động lớn nhất. Tập trung chuyên môn cho phép các học viên có thể dồn lực vào nghiên cứu AI hay các ứng dụng. Đó cũng là mục tiêu chính thúc đẩy sự cải tiến trong phát triển thuật toán và phần cứng, vốn sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong quá trình nâng cấp công nghệ về lâu về dài, chứ không phải số lượng dữ liệu có được.

Phân tích cho thấy các khoản đầu tư của Trung Quốc trên lĩnh vực này có thể không đủ để xây dựng năng lực lãnh đạo phục vụ cho mục tiêu bá chủ về trí tuệ nhân tạo về lâu dài của nước này. Chính phủ biết vấn đề này, và gần đây đã thực hiện một số giải pháp để giải quyết: trong chiến lược quốc gia về AI năm 2017, Trung Quốc cam kết đưa các nhà khoa học hàng đầu về nước với những khoản lương rất cạnh tranh và các ưu đãi khác. Hiện nay, vị thế dẫn đầu về AI của Mỹ có sự đóng góp rất lớn từ một lực lượng hùng hậu các nhà khoa học Trung Quốc - dù cho điều này đi ngược lại với chính sách của chính quyền Tổng thống Trump về tối thiểu hóa hoạt động hợp tác trong phát triển AI giữa hai nước.

"Rất không may. Bởi tâm lý chạy đua AI, người thấy nó như một trò chơi có tổng bằng không (bên này được lợi thì bên kia bất lợi)" - Ma nói. Một sự dịch chuyển nhịp nhàng hơn của các nhà khoa học sẽ mang lại lợi ích cho cả Mỹ và Trung Quốc, bà nói, xây dựng nên các hệ sinh thái AI cho cả hai quốc gia, đồng thời giúp hình thành những chuẩn mực đạo đức AI toàn cầu dễ dàng hơn. Ví dụ, rất nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc nhận bằng PhD tại Mỹ, quay về Trung Quốc làm việc trong thời gian đầu của sự nghiệp, sau đó lại sang Mỹ để tiếp tục sự nghiệp đó. "Sự dịch chuyển như vậy sẽ cho phép các nhà nghiên cứu cùng hợp tác nghiên cứu ở nhiều nơi khác nhau, và mở ra cánh cửa để mọi người có thể thảo luận nên những phương pháp tốt nhất" - Ma nói.

Tham khảo: MITTechnologyReview

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại