BI: Trung Quốc 'đảo chính ngoại giao', thách thức sức mạnh Mỹ ở Trung Đông

Hữu Hiển |

Trong cuộc chiến kéo dài 9 tháng giữa Israel và Hamas, một quốc gia ít ngờ tới đã nổi lên như một nhà trung gian quyền lực quan trọng ở Trung Đông: Trung Quốc.

Reuters đưa tin, Hamas và Fatah - hai nhóm chính trị quyền lực nhất của người Palestine - hôm 22/7 đã tuyên bố ngừng bắn do Trung Quốc làm trung gian hòa giải, sau khi kết thúc các cuộc đàm phán giữa 14 phe phái chính trị của người Palestine, mà đỉnh điểm là cam kết thành lập một chính phủ đoàn kết lâm thời sau khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas kết thúc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ca ngợi thỏa thuận "về quản trị hậu chiến tranh Gaza và thành lập chính phủ hòa giải dân tộc lâm thời" "dành riêng cho sự hòa giải và đoàn kết vĩ đại của tất cả 14 phe phái".

Theo các chuyên gia, đó là một động thái táo bạo đặt Trung Quốc vào trung tâm đàm phán trong một cuộc xung đột mà Mỹ từ lâu đã là trung gian hòa giải chính.

BI: Trung Quốc 'đảo chính ngoại giao', thách thức sức mạnh Mỹ ở Trung Đông- Ảnh 1.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (giữa) làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa Mahmoud al-Aloul - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Fatah (trái) và Mussa Abu Marzuk - thành viên cấp cao của Hamas (phải) tại Bắc Kinh, vào ngày 23/7. Ảnh: Getty

Trung Quốc phô trương sức mạnh ngoại giao mới

Theo Business Insider, vào năm 2007, Hamas - một nhóm Hồi giáo bị Mỹ xếp vào danh sách khủng bố - đã giành quyền kiểm soát Dải Gaza từ tay Fatah.

Hamas hiện đang chiến đấu để sinh tồn ở Dải Gaza. Sau cuộc tấn công của nhóm này vào Israel vào ngày 7/10/2023, Tel Aviv đã phát động một cuộc chiến trả đũa vào Dải Gaza.

Trong khi đó, Fatah từ lâu đã là nhóm chính trị lớn nhất trong Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cai trị Bờ Tây.

Các chuyên gia nhận định, hòa giải các phe phái nhằm mục đích xây dựng một chính phủ Palestine thời hậu chiến là một cuộc "đảo chính ngoại giao" của Trung Quốc, sau nhiều năm cố gắng khẳng định mình là nhà môi giới quyền lực ở Trung Đông.

Mặc dù Trung Quốc không tham gia vào nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas, nhưng các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang tự khẳng định mình là một bên tham gia quan trọng trong bất kỳ giải pháp nào sau chiến tranh.

"Trung Quốc đang tìm cách đánh bóng uy tín của mình với tư cách là một trung gian ngoại giao. Những nỗ lực trước đây nhằm thống nhất Hamas và Fatah đã thất bại, nhưng Bắc Kinh hy vọng chứng minh rằng, ít nhất về mặt nguyên tắc, họ có thể thu hẹp những chia rẽ khó hàn gắn và giảm leo thang những xung đột lâu đời mà Washington không thể làm được", Ali Wyne - nhà phân tích của tổ chức tư vấn toàn cầu Crisis Group có trụ sở tại Bỉ - nói với Business Insider.

Định vị là nước lãnh đạo các quốc gia đang phát triển

Theo Business Insider, trong vài năm qua, Trung Quốc đã thách thức ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông. Vào năm 2023, Trung Quốc đã làm trung gian khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Iran và Ả Rập Saudi sau nhiều thập kỷ xung đột ủy nhiệm. Trung Quốc cũng tạo mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia vùng Vịnh vốn từ lâu đã là đồng minh của Mỹ.

Các thỏa thuận như nối lại quan hệ Iran - Ả Rập Saudi và thỏa thuận ngừng bắn giữa các phe phái Palestine có thể sẽ không thể thực hiện được đối với Mỹ - quốc gia có quan hệ đối địch với Iran và các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực của nước này trong nhiều thập kỷ.

Nhà phân tích Trung Đông Aaron David Miller viết cho tạp chí Foreign Policy (Mỹ) vào năm 2023 rằng: "Mỹ không thể là một nhà hòa giải đáng tin cậy vì họ đã đóng vai trò tích cực trong cả cuộc cạnh tranh Iran - Ả Rập Saudi và trong cuộc cạnh tranh giữa Israel và Iran".

Wyne nói rằng, trong khi thế giới nhìn nhận sự cạnh tranh Mỹ - Trung qua lăng kính kinh tế và sức mạnh quân sự, "thành tố ngoại giao sẽ ngày càng nổi bật khi Bắc Kinh đặt mục tiêu trở thành một cường quốc toàn diện hơn".

Trung Quốc không lên án vụ tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas. Nước này lên tiếng công nhận chủ quyền của người Palestine, điều mà Israel từ chối.

Theo Business Insider, đây là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm định vị mình ở vị trí lãnh đạo các quốc gia đang phát triển - nhiều nước trong số đó tỏ thái độ bất mãn trước sự hỗ trợ của phương Tây cho chiến dịch quân sự của Israel, vốn đã khiến hàng chục nghìn dân thường Palestine thiệt mạng (theo số liệu của cơ quan y tế do Hamas điều hành).

BI: Trung Quốc 'đảo chính ngoại giao', thách thức sức mạnh Mỹ ở Trung Đông- Ảnh 3.

Chiến dịch quân sự của Israel nhằm vào Hamas đã giết chết hàng chục nghìn dân thường Palestine tại Dải Gaza. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho biết, mặc dù Trung Quốc có thể đang tìm kiếm lợi ích chính trị từ cuộc xung đột Israel - Hamas, vẫn có những giới hạn đối với những gì mà Bắc Kinh sẵn sàng đóng góp để tác động đến kết quả.

Mỹ đã giúp bắn hạ tên lửa của Iran hướng tới Israel vào tháng 4/2024. Mỹ cũng triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực để ngăn chặn các cuộc tấn công của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này trong những tuần sau ngày 7/10/2023.

Trong khi đó, Trung Quốc chỉ giới hạn trong các sáng kiến ngoại giao.

Jon Alterman - nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington - nói tại Quốc hội Mỹ vào tháng 4/2024 rằng: "Trung Quốc cũng không muốn hy sinh nhiều để thúc đẩy bất kỳ lợi ích nào của mình ở Trung Đông".

"Bất kể chỗ nào họ đầu tư, họ đều làm như vậy một cách có chủ ý", Alterman nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại