Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng đệ nhất phu nhân Melania Trump tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago vào tháng 4/2017. Ảnh: CNN.
Nhưng khi hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp gỡ đầu tiên tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, Mỹ, vào tháng 4/2017, giọng điệu của Tổng thống Trump đã thay đổi. Cả hai dành cho nhau những lời có cánh trong một cuộc họp báo, tại đây ông Trump đã mô tả quan hệ với Chủ tịch Tập Cận Bình "rất tốt đẹp”. Hình ảnh về cuộc gặp đăng tải trên phương tiện truyền thông cho thấy, hai nhà lãnh đạo ngồi cạnh nhau và mỉm cười thân thiện.
3 năm sau đó, mối quan hệ “tốt đẹp” này nhanh chóng chìm vào dĩ vãng. Tổng thống Trump không còn nói về tình bạn của ông với Chủ tịch Tập Cận Bình khi hai nước gia tăng căng thẳng và mâu thuẫn trong nhiều vấn đề như thương mại, công nghệ....
Trong bối cảnh ông Trump đang nỗ lực giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 3/11/2020 để có thêm một nhiệm kỳ nữa, các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể đã bỏ lỡ cơ hội vàng trong việc gây dựng uy tín và vị thế trên toàn cầu, cũng như thiết lập quan hệ mang lại nhiều lợi ích hơn với Mỹ.
Trung Quốc từng hưởng lợi trong năm đầu của chính quyền ông Trump
Ở ông Trump, Trung Quốc tìm thấy một nhà lãnh đạo tập trung vào các thỏa thuận chính trị và thương mại hơn là vấn đề chính sách đối ngoại – vốn là chủ đề Bắc Kính muốn tránh né. Hơn nữa, chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump đã tạo cho ông Tập Cận Bình cơ hội rõ ràng để khẳng định vai trò đầu tàu của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực chủ chốt, từ biến đổi khí hậu đến thương mại tự do. Nhưng thay vì trở thành một cường quốc có ảnh hưởng trên toàn cầu, Bắc Kinh lại chứng kiến uy tín của mình ngày càng sụt giảm.
Chưa đầy một tuần trước khi ông Trump lên nắm quyền vào tháng 1/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sỹ, trong đó bày tỏ hy vọng về một “kỷ nguyên vàng” đối với Trung Quốc và sự mở rộng ảnh hưởng của quốc gia này trên trường quốc tế. Nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ trích chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump, kêu gọi thế giới tránh xa chủ nghĩa bảo hộ. Bài phát biểu của ông đã được lãnh đạo các nền kinh tế đón nhận nồng nhiệt. Người sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab thậm chí còn nói rằng “thế giới đang hướng về Trung Quốc”.
Daniel Russel, cựu Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Barack Obama nhận xét rằng, những phát biểu chống chủ nghĩa toàn cầu của ông Trump và các tuyên bố của ông Tập Cận Bình đã đưa Trung Quốc nổi lên như một lãnh đạo toàn cầu tiềm năng để thay thế Mỹ.
“Trong khi ông Tập tuyên bố rằng Trung Quốc là nhà bảo vệ chủ nghĩa toàn cầu lớn nhất thì ông Trump lại chỉ trích phát ngôn này và đưa ra một thông điệp đề cao chủ nghĩa dân tộc. Điều đó đã làm gia tăng tương phản và đào sâu sự cách biệt”, ông Daniel Russel nói.
Trên nhiều lĩnh vực, các chính sách của ông Trump đã giúp Trung Quốc có cơ hội nắm giữ vai trò chủ đạo hơn trong các vấn đề toàn cầu. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 1/2017 tạo điều kiện cho Trung Quốc thúc đẩy các thỏa thuận thương mại của nước này trong khu vực. Sau khi ông Trump từ bỏ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, 5 tháng sau, ông Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ là “người cầm đuốc dẫn đường” trong vấn đề này.
Khi Tổng thống Trump bắt đầu tạo khoảng cách giữa Mỹ với các đồng minh, kêu gọi những đối tác lâu năm như châu Âu tăng cường chi tiêu quốc phòng và chia sẻ một cách công bằng gánh nặng về chi phí an ninh, Trung Quốc đã chớp thời cơ xích lại gần hơn các cường quốc trong khu vực.
Trung Quốc và Nhật Bản đã lên kế hoạch trao đổi các chuyến thăm cấp nhà nước lần đầu tiên trong một thập kỷ trong một nỗ lực làm “tan băng” quan hệ song phương vốn đã trở nên lạnh lẽo do tranh chấp lãnh thổ kéo dài tại Biển Hoa Đông. Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in hồi tháng 6/2017 cho biết, nước này sẽ hoãn việc triển khai hệ thống phòng thủ do Mỹ sản xuất vốn dấy lên tranh cãi. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nhà lãnh đạo của một trong những nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á, nói rằng ông "yêu thích" Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc thuộc Trường nghiên cứu phương Đông và châu Phi (SOAS), ĐH London, nhận xét: “Vào giai đoạn đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump, Trung Quốc đã được phần còn lại của thế giới coi là một quốc gia có vai trò dẫn dắt tương đối ổn định để bước qua giai đoạn chao đảo trong một vài năm sau”.
Đối với Trung Quốc, năm đầu của chính quyền Tổng thống Trump là thời điểm nước này gặt hái nhiều thành công. Chính phủ Trung Quốc chứng kiến vị thế của họ gia tăng trên thị trường quốc tế, xây dựng được mối quan hệ gần gũi với tân Tổng thống Mỹ và đạt được nhiều thắng lợi chiến lược về mặt thương mại, chính sách đối ngoại, biến đổi khí hậu.
Bắc Kinh bỏ lỡ "cơ hội vàng"
Tuy nhiên, vào tháng 10/2020, gần 4 năm sau khi ông Trump nhậm chức, uy tín toàn cầu của Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Các số liệu thăm dò do Pew Research công bố ngày 6/10 cho thấy, tại 14 quốc gia được khảo sát, trong đó Australia, Canada, Anh, Đức, Nhật Bản và Mỹ, hầu hết người được hỏi đều có cái nhìn tiêu cực đối với Trung Quốc. Nếu như năm 2002, 65% công dân Mỹ được khảo sát đều đưa ra quan điểm có lợi cho Bắc Kinh thì đến năm 2020, con số này giảm xuống còn 22%. Trái lại, những người có quan điểm bất lợi chiếm 74%.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019, sau đó lan rộng ra các quốc gia khác, đã gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Trung Quốc khi nước này phải gồng mình đối phó với số ca mắc gia tăng. Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Tổng thống Trump cáo buộc Bắc Kinh xử lý sai lầm dịch bệnh trong giai đoạn đầu và che giấu thông tin khiến virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh mẽ trên toàn cầu.
Thế nhưng ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát, vị thế của Trung Quốc đã bắt đầu sụt giảm, đặc biệt là tại các quốc gia phương Tây.
Trong nhiều năm qua, Australia luôn ở tuyến đầu của mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc. Canberra là đồng minh thân cận của Washington nhưng có đối tác thương mại lớn nhất là Bắc Kinh. Với một nhà lãnh đạo Mỹ luôn theo đuổi chính sách “nước Mỹ trên hết”, Trung Quốc có cơ hội tốt nhất để kéo Australia về phía nước này. Tuy vậy khi chính phủ Australia ban hành luật chống sự can thiệp của nước ngoài năm 2018, Bắc Kinh đã tỏ ra tức giận, vì cho rằng luật này nhằm vào họ. Trung Quốc đã đóng băng thị thực, gia tăng kiểm soát hàng hóa nhập khẩu từ Australia, thậm chí buộc tội gián điệp đối với một nhà văn Australia. Theo tổ chức thăm dò Pew, nếu như năm 2017, hơn 60% người Australia có cái nhìn tích cực đối với Trung Quốc thì đến năm 2020, con số này chỉ là 15%.
Australia không phải quốc gia duy nhất chứng kiến quan hệ đóng băng với Trung Quốc. Canada cũng rơi vào tình huống này. Quan hệ giữa Canada và Mỹ đã trở nên căng thẳng dưới thời chính quyền Tổng thống Trump liên quan đến vấn đề nhập cư và thương mại. Lẽ ra Bắc Kinh đã có thể xích lại gần Ottawa, nhưng thay vì đó, nước này đã khoét sâu những bất đồng giữa hai bên.
Sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei theo yêu cầu của Mỹ vào cuối năm 2018. Trung Quốc đã bắt giữ doanh nhân Michael Spavor và cựu nhà ngoại giao Michael Kovrig của Canada với cáo buộc gián điệp. Năm 2019, Trung Quốc dừng nhập khẩu hạt cải dầu và thịt của Canada, dẫn tới sự lo lắng của nhiều doanh nghiệp Canada đang hoạt động tại Trung Quốc.
Ngày 14/10, đúng dịp 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Thủ tướng Canada đã chỉ trích “hành vi ngoại giao quốc tế không lành mạnh” của Trung Quốc. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cam kết hợp tác với các đồng minh để đảm bảo chính sách ngoại giao cưỡng ép của Trung Quốc không được xem như một chiến thuật thành công”.
Tại châu Á, sự nổi lên của Ấn Độ như một quốc gia lớn mạnh trong khu vực đã trở thành “thỏi nam châm” thu hút sự tranh giành quyết liệt của các cường quốc hàng đầu thế giới, trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc. Năm 2018, các nỗ lực Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đã đạt được nhiều thành công. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều nhất trí giải quyết tranh chấp biên giới một cách hòa bình. Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp nhau tại Vũ Hán trong một cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức kéo dài hai ngày.
Nhưng đến năm 2020, quan hệ giữa hai nước đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ bùng phát từ tháng 6 vừa qua đã đẩy New Dehli xích lại gần hơn các đối thủ của Bắc Kinh là Mỹ và Nhật Bản. Ấn Độ đã cấm một loạt các ứng dụng nổi tiếng của Trung Quốc, trong đó có Tik Tok – đây được coi là đón giáng mạnh vào lĩnh vực công nghệ của Bắc Kinh.
“Ngoại giao chiến lang” không giúp cứu vãn hình ảnh
Bắc Kinh cũng phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng trong cộng đồng quốc tế về một số vấn đề liên quan đến Hong Kong hay Đài Loan và việc gia tăng hoạt động quân sự tại Biển Đông. Để bảo vệ uy tín và chống lại những sự chỉ trích mà nước này cho là không công bằng, Bắc Kinh đã áp dụng chính sách “ngoại giao chiến lang”. Theo đó, các nhà ngoại giao đưa ra những tuyên bố cứng rắn, quyết liệt, sẵn sàng công kích các nước khác để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc.
Một số chuyên gia cho biết, thời gian gần đây, đã có sự thảo luận trong chính phủ Trung Quốc về việc liệu chính sách “ngoại giao chiến lang” đang giúp ích hay gây tổn hại nhiều hơn đối với quốc gia này.
Theo đánh giá, vẫn chưa biết chính sách đó có phát huy hiệu quả hay không, nhưng vào lúc này, khi những lo ngại về việc đối phó với virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu ngày càng gia tăng, bất cứ cơ hội nào cho sự phục hồi uy tín của Trung Quốc cũng khó xảy ra.
Giáo sư Jessica Chen Weiss của trường Đại học Cornell, Mỹ nhận xét, trên thực tế Trung Quốc khó có thể vượt qua được những thách thức để trở thành siêu cường dẫn đầu thế giới. Và như vậy, Bắc Kinh sẽ khó thế chân Mỹ cho dù ông Trump rút lui trên trường quốc tế ở mức độ nào đi chăng nữa.
Mỹ - Trung mâu thuẫn nhưng khó tách rời
Khi dịch bệnh Covid-19 lây lan mạnh tại Mỹ, ông Trump đã mạnh miệng chỉ trích cách ứng phó dịch bệnh của Bắc Kinh, gọi virus SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”.
Một phần của phản ứng này là nhằm hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi những thất bại trong kiểm soát dịch bệnh của chính phủ Mỹ. Dù thường xuyên công kích Trung Quốc, nhưng Tổng thống Trump không bao giờ chỉ trích Chủ tịch Tập Cận Bình.
Duy nhất vào ngày 11/8, ông Trump bày tỏ sự buồn phiền hơn là tức giận khi nói rằng: “Chúng tôi từng có một mối quan hệ rất tốt. Nhưng tôi đã không nói chuyện với ông ấy một thời gian dài”.
“Tâm lý phản đối Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và Bắc Kinh nhận thức được điều đó”, ông Jessica Chen Weiss nhận xét.
Dù chưa biết rõ Trung Quốc có lợi dụng sự rút lui của chính quyền Tổng thống Trump trên trường quốc tế để gia tăng vị thế hay không, giới phân tích vẫn cho rằng bất cứ động thái nào hướng tới sự chia tách lớn hơn hoặc quay trở lại mức độ chia tách thời kỳ “Chiến tranh Lạnh” là rất khó xảy ra bởi Mỹ và nhiều nền kinh tế lớn khác phụ thuộc đáng kể vào thị trường Trung Quốc và khối tài sản khổng lồ mà nền kinh tế tỷ dân này tạo ra./.