Những bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng "Vùng 51" của họ ở Tân Cương (Ảnh: Maxar Technologies)
Bí ẩn “Vùng 51” và UFO
Nằm sâu trong sa mạc Nevada, một trong số những chiếc máy bay Boeing 707 của Tổng thống Mỹ đã hạ cánh tại một căn cứ bí mật. Không ai biết rõ thời điểm chính xác – có khả năng là cuối những năm 1950, đầu những năm 1960 – nhưng vụ việc này giờ đã trở thành huyền thoại.
Theo lời kể của một người đàn ông từng phục vụ trên khoang của chiếc máy bay đó, nó chở theo một nhóm các tướng lĩnh quân đội Mỹ để tham gia một cuộc họp bất thường. Nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay, nhân chứng này nhìn thấy một cảnh tượng khó tin – một nhóm người mà nay được mô tả là “người ngoài hành tinh” có màu xám, đang chờ nhóm tướng lĩnh.
Nhân chứng này, do từng đưa ra cam kết giữ bí mật trọn đời, nên chỉ có thể tiết lộ câu chuyện đó trong lúc đang hấp hối trên giường bệnh.
Và theo như câu chuyện kể, nước Mỹ đã đạt được một thỏa thuận với người ngoài hành tinh. Họ được chuyển giao công nghệ ngoài hành tinh, đổi lấy việc cho phép người ngoài hành tinh bắt cóc – nhưng không gây tổn hại – tới người dân Mỹ. Cũng từ đó mà huyền thoại về vật thể bay không xác định (UFO) ở “Vùng 51” được sinh ra.
Nhiều nguồn tin còn nói rằng Tổng thống Mỹ Jimmy Carter được xem đoạn phim quay lại cuộc họp bí mật đó, và sau đó rời khỏi phòng với vẻ mặt kinh hoàng.
Nhiều người có thể tin, hoặc không tin câu chuyện này. Nhưng có một thứ khó có thể từ chối – nhiều thập kỷ sau, vào những năm 1980, một nhà khoa học tên Bob Lazar lên tiếng, tuyên bố rằng quân đội Mỹ đang thử nghiệm các đĩa bay mà họ chế tạo dựa vào công nghệ mà người ngoài hành tinh chuyển giao tại “Vùng S4”, một khu vực bí mật nằm bên trong “Vùng 51”, còn có tên gọi Hồ Papoose.
Thêm vào tuyên bố của mình, ông dự đoán về sự tồn tại của nguyên tố 115 (Moscovium, mãi đến năm 2003 mới được phát hiện), được cho là thứ giúp cung cấp năng lượng cho lò phản ứng của đĩa bay. Nguyên tố 115 – không tồn tại một cách tự nhiên trên Trái đất – có một lớp sóng trọng lực bao phủ nguyên tử của nó, có thể được khuếch đại và điều hướng. Theo Lazar, đây chính là cách mà các đĩa bay vận hành.
Còn được gọi là Hồ Groom, Dreamland và Paradise Ranch, cơ sở này được xem như một căn cứ bí mật chuyên tổ chức các cuộc thử nghiệm cho Không quân Mỹ, và mọi thứ về nó đều là tuyệt mật.
Tổng thống Bill Clinton thậm chí từng thông qua một bộ luật cho phép trừng phạt bất cứ ai dám đi vào “Vùng 51”, với mức phạt 5.000 USD và có khả năng bị phạt tù.
Một chiếc xe bán tải của quân đội Mỹ tuần tra xung quanh Vùng 51 (Ảnh: Getty)
Khu vực này được canh gác cực kỳ nghiêm ngặt. Nhiều xe bán tải của quân đội được bố trí lượng xung quanh, trực thăng tuần tra liên tục và rất nhiều trang thiết bị theo dõi được lắp đặt. Tuy nhiên, do trở thành tâm điểm của những lời đồn về hoạt động của “người ngoài hành tinh” nên chỉ tính riêng trong năm 2019, đã có hơn 3,5 triệu người trên khắp thế giới đăng ký trên Facebook tham gia một sự kiện cùng nhau đổ dồn tới “Vùng 51” xem người ngoài hành tinh, tuyên bố rằng chính phủ liên bang “không thể ngăn được tất cả chúng tôi”.
Nhiều nước cũng muốn có “Vùng 51”
Có quá nhiều bí mật về “Vùng 51”. Nhưng cũng có một cách lý giải hết sức đơn giản cho sự thành lập khu vực này, đó là quân đội Mỹ muốn xây dựng một bãi thử nghiệm các mẫu máy bay mới, hoặc đang được phát triển của họ.
“Vùng 51” chính là khu vực thử nghiệm phần lớn các mẫu máy bay được coi là biểu tượng của nước Mỹ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, bao gồm máy bay do thám U-2 của Lockheed Martin, Sr-71 Blackbird và B-2 Spirit. Thực tế mà nói, “Vùng 51” đã giúp người Mỹ chiến thắng Chiến tranh Lạnh.
Mặc dù sự ra đời của các cơ sở bí mật trong sa mạc như vậy đã tạo động lực cho việc phát triển công nghệ chụp ảnh từ vệ tinh, nhưng một số quốc gia sở hữu các chương trình không gian tân tiến cũng muốn có một căn cứ thử nghiệm máy bay, và bởi vậy mà nhiều nước trong số này cũng xây dựng các cơ sở tương tự như “Vùng 51”.
Ví dụ, Nga duy trì một bãi thử tên lửa ở Kapustin Yar nằm trên vùng sa mạc bằng phẳng phía Bắc dãy Caucasus. Đáng chú ý, Kapustin Yar cũng có những câu chuyện liên quan tới “người ngoài hành tinh” và còn được mệnh danh là “Roswell của nước Nga”.
Trung Quốc xây dựng “Vùng 51” ở Tân Cương?
Theo một bản báo cáo của Trevor Filseth, được đăng tải trên tờ National Interest của Mỹ, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một cơ sở “giống Vùng 51” ở Tân Cương.
Một số bức ảnh chụp vệ tinh của hãng Maxar Technologies cho thấy một dải đường băng dài 3 dặm đã được xây dựng, và theo hãng NPR, một số cơ sở hạ tầng đã được xây dựng xung quanh đường băng đó.
Kể từ sau đó, có thêm 2 đường băng nữa được xây dựng, tạo nên một hình tam giác đều, cho phép các máy bay cất cánh và hạ cánh theo 3 hướng khác nhau. Đường băng này có thể được trông thấy trên ứng dụng Google Maps.
Nằm sát khu vực bãi thử vũ khí hạt nhân cũ của Trung Quốc ở Lop Nur, mục đích xây dựng cơ sở này dường như là giống như “Vùng 51”: để thử nghiệm các máy bay Trung Quốc chế tạo, tránh xa con mắt theo dõi của Mỹ hay bất cứ nước nào khác.
Mẫu máy bay ném bom tàng hình H-20 của Trung Quốc có khả năng được thử nghiệm tại căn cứ bí mật này (Ảnh: Handout)
Cơ sở mới của Trung Quốc hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng, điều này chỉ ra rằng đường băng có thể sẽ còn được mở rộng trong tương lai. “Đương nhiên họ xây dựng những đường băng này không chỉ là để nghỉ dưỡng cuối tuần”, Jonathan McDowell, chuyên gia đến từ Trung tâm Vật lý thiên thể, ĐH Harvard, nói.
Trung Quốc hiện đang nỗ lực chế tạo một mẫu máy bay tàng hình đủ sức sánh ngang với mẫu B-2 của Mỹ; và mẫu máy bay tàng hình H-20 của họ có thể sẽ được thử nghiệm ở cơ sở bí mật ở Tân Cương.
Nhiều dự án mật khác của Trung Quốc có thể được thực hiện và thử nghiệm ở “Vùng 51” Tân Cương này có thể bao gồm các máy bay không người lái, drone, máy bay sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.
Tùy vào cấu hình công nghệ mà mẫu H-20 của Trung Quốc có thể làm tăng thêm mức độ đe dọa của nước này đối với Mỹ. Theo nhiều báo cáo của giới truyền thông, mẫu máy bay ném bom tàng hình siêu thanh này có thể “tăng gấp đôi” phạm vi tấn công của Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc giữ bí mật những dự án như vậy ngày càng trở nên khó khăn hơn, theo tờ New Zealand Herald.
“Một yếu tố hết sức quan trọng trong cuộc cạnh tranh an ninh trong vòng thập kỷ tới chính là “lẩn trốn và tìm kiếm”, đặc biệt là khả năng xác định vị trí cũng như các hoạt động của địch thủ như Trung Quốc và Nga”; một báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có đoạn.
Hiện Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington từ chối đưa ra bình luận về khu vực được gọi là “Vùng 51” của họ ở Tân Cương.