“Trung Quốc đã thành đối thủ chiến lược của Mỹ và trật tự toàn cầu”

PV |

Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược của Mỹ và của trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun ngày 22/7 đã tham gia điều trần tại Ủy ban đối ngoại thượng viện Mỹ với chủ đề thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả của Mỹ với Trung Quốc: các mục tiêu, ưu tiên và những bước tiếp theo.

Trong văn bản gửi tới Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ trước thềm phiên điều trần về chính sách của Washington đối với Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun cho biết nhiều chính quyền Mỹ đã ủng hộ Trung Quốc gia nhập trật tự thế giới dựa trên luật lệ với hy vọng Trung Quốc sẽ trở thành một đối tác trong việc duy trì luật pháp quốc tế, các chuẩn mực và thể chế và Mỹ và Trung Quốc có thể phát triển một mối quan hệ thân thiện cùng có lợi.

Trong vòng 3 thập kỷ qua, các chính sách của Mỹ đã thúc đẩy mục tiêu đó thông qua viện trợ và cho vay quốc tế, đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho Trung Quốc gia nhập các tổ chức toàn cầu, và giáo dục cho hàng triệu học giả Trung Quốc tại các trường tốt nhất ở Mỹ.

Thứ trưởng Stephen Biegun nhấn mạnh điểm khác biệt của chính quyền Mỹ hiện tại so với các chính quyền tiền nhiệm trong chính sách đối với Trung Quốc đó là Mỹ phải hành động một cách quyết đoán trước Trung Quốc. Mặc dù trong Chiến lược an ninh quốc gia 2017, Mỹ ủng hộ Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và ảnh hưởng toàn cầu, Trung Quốc, thay vào đó đã lựa chọn gia tăng các hành động cứng rắn và gây hấn trong nước cũng như nước ngoài và đã trở thành một đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ và đối với trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ.

Thứ trưởng Stephen Biegun cho rằng mối quan hệ Mỹ-Trung đã suy giảm bởi nhiều tranh cãi bao gồm gián điệp thương mại và đánh cắp sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ; đối xử không công bằng đối với các nhà ngoại giao, doanh nghiệp, NGO và nhà báo Mỹ bởi giới chức Trung Quốc; lợi dụng chính sách hoan nghênh sinh viên quốc tế của Mỹ để đánh cắp công nghệ và nghiên cứu nhạy cảm từ các trường đại học Mỹ nhằm thúc đẩy quân đội Trung Quốc. Đây là một trong những yếu tố khiến Tổng thống Donald Trump chỉ thị một số hành động trả đũa bao gồm việc thông báo yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở Houston, Texas.

Theo Thứ trưởng Stephen Biegun, toàn thế giới hiện đang cảnh báo về việc loại bỏ tính tự chủ của Hong Kong, các vụ bắt giữ tùy tiện ở Tân Cương, các nỗ lực xóa bỏ bản sắc của Tây Tạng; áp lực quân sự đối với Đài Loan; và các yêu sách chủ quyền trên biển không có cơ sở ở biển Đông.

Các lĩnh vực đáng lo ngại khác bao gồm việc Trung Quốc gia tăng sử dụng các hành động cưỡng ép quân sự và kinh tế và các chiến dịch thông tin sai lệch do nhà nước bảo trợ chống lại các đối tác và đồng minh bao gồm Ấn Độ, Australia, Canada, Anh, Liên minh châu Âu...

Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát động một số sáng kiến ngoại giao và kinh tế nhằm duy trì và bảo vệ lợi ích của Mỹ và các nước đồng minh và bạn bè trong các lĩnh vực bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu, tiếp cận thị trường và an ninh viễn thông. Bộ Ngoại giao Mỹ hiện đang tập trung cho vấn đề cạnh tranh với Trung Quốc trên toàn thế giới.

Là một phần của cách tiếp cận toàn diện, Mỹ hiện đang cùng với các đồng minh và đối tác tại G7, G20 và NATO làm rõ mối đe dọa của Trung Quốc đối với không chỉ lợi ích của Mỹ mà của các đồng minh và đối tác của Mỹ. Mỹ hiện đang mở rộng quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, Trung Đông, châu Phi, và Tây bán cầu.

Tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, Mỹ đang củng cố quan hệ với các nước cùng chia sẻ giá trị và lợi ích trong một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở. Mỹ đang củng cố quan hệ đồng minh với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan đồng thời gia tăng phối hợp với ASEAN, tổ chức có vai trò trung tâm ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở.

Trợ giúp an ninh của Mỹ đối với các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng như việc Mỹ mới đây phản đối yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc giúp các đối tác bảo vệ quyền tự chủ và các nguồn tài nguyên trên biển của mình. Mỹ đang phối hợp với các nước ở khu vực sông Mekong nhằm đảm bảo phát triển bền vững và an ninh năng lượng đồng thời gia tăng hỗ trợ phát triển cho các đối tác là các đảo quốc Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Trung Quốc đã trở thành chủ đề trong các cuộc thảo luận xuyên Đại Tây Dương và liên minh tình báo Ngũ Nhãn (FVEY). Ngoại trưởng Mỹ mới đây đã thông báo Mỹ chấp thuận đề xuất của EU xây dựng đối thoại Mỹ-EU về Trung Quốc nhằm thảo luận các mối lo ngại chung về mối đe dọa của Trung Quốc đối với các giá trị dân chủ chung. Trung Quốc đồng thời cũng là một trong những chủ đề trọng tâm của đối thoại an ninh giữa Mỹ và Anh, Australia, New Zealand, và Canada.

Theo Thứ trưởng Stephen Biegun, mặc dù Trung Quốc đã có những bước thâm nhập ở khắp châu Phi trong thập kỷ qua, một số chính phủ châu Phi đã bắt đầu giám sát các dự án của Trung Quốc, yêu cầu các công ty Trung Quốc thuê nhiều hơn lao động châu Phi và yêu cầu bảo vệ các hệ sinh thái của châu Phi. Các hoạt động ngoại giao của Mỹ ở châu Phi sẽ tiếp tục làm rõ chiếc bẫy của các hoạt động cho vay không minh bạch và không bền vững của Trung Quốc.

Ở Trung Đông, Mỹ đã giúp các đối tác nhận ra cái giá phải trả cho một số hoạt động thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng viễn thông. Mỹ cũng đang phối hợp với các đồng minh và đối tác nhằm ngăn ngừa Trung Quốc cản trở các tổ chức quốc tế thông qua ảnh hưởng không được kiểm soát.

Thứ trưởng Stephen Biegun cho biết ông và Ngoại trưởng Mike Pompeo tháng trước đã gặp các đối tác Trung Quốc ở Hawaii. Trong các cuộc thảo luận diễn ra trong hai ngày, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh rằng hành động chứ không phải lời nói mới là con đường dẫn tới tôn trọng lẫn nhau và có đi có lại giữa hai nền kinh tế trên các lĩnh vực thương mại, an ninh, ngoại giao, và giao lưu nhân dân.

Ngoại trưởng Pompeo nêu rõ quyết tâm của Mỹ ngăn chặn các nỗ lực của Trung Quốc nhằm cản trở các quy chuẩn dân chủ, thách thức chủ quyền của các quốc gia bạn bè và đồng minh của Mỹ.

Ngoại trưởng Pompeo đồng thời cũng nêu các lĩnh vực Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu bao gồm phối hợp nhằm xác định nguồn gốc và sự lây lan của Covid-19 , phi hạt nhân hóa Triều Tiên nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định trên báo đảo Triều Tiên, xây dựng hòa bình ở Afghanistan, sản xuất và vận chuyển trái phép ma túy quốc tế, và các chính sách kinh tế có đi có lại và cân bằng từng được minh chứng trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được thống nhất hồi đầu năm. Mỹ hoan nghênh các cuộc giao lưu nhân dân bao gồm sinh viên hai nước với mục đích duy nhất là học tập.

Thứ trưởng Stephen Biegun khẳng định bộ Ngoại giao Mỹ đang khẩn cấp thực hiện những bước cần thiết để bảo vệ đất nước. Trong khi tìm cách điều chỉnh bất cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ phải giải quyết thực tế hiện nay trong khi để ngỏ các khả năng trong tương lai./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại