Theo tin tức mới nhất từ Reuters, Trung Quốc vừa cho khởi hành hai tàu phá băng vùng cực (Xuelong 1, 2) và một tàu chở hàng vào thứ Tư ngày 1/11 tới Nam Cực với tổng hơn 460 người để giúp hoàn thành việc xây dựng trạm thứ năm của nước này trên lục địa cực Nam thế giới.
"Chiến thần phá băng" lớn nhất của Trung Quốc - Tuyết Long 2 (Xuelong 2) cùng Tuyết Long 1 - được triển khai tới Nam Cực nhằm xây dựng trạm nghiên cứu trên khu vực Đảo Inexpressible nổi tiếng với những trận gió mạnh, địa hình lởm chởm đầy đá.
Đảo Inexpressible ở Vịnh Terra Nova trên Biển Ross là một vịnh sâu ở Nam Đại Dương được một nhà thám hiểm người Anh đặt tên hồi thế kỷ 20.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin, việc triển khai Tuyết Long 2 - con tàu phá băng vùng cực "made in China" đầu tiên - nhằm tiến hành nghiên cứu về môi trường trong khu vực.
Tuyết Long 2 - Chiến thần thực thụ
Tàu phá băng được phân thành các loại khác nhau tùy theo khả năng phá băng. Tuyết Long 2 là chiếc mạnh nhất trong số các tàu phá băng cỡ trung bình. Tàu có tốc độ tối đa 15 hải lý/giờ và có thể chứa 90 thủy thủ đoàn và các nhà nghiên cứu, CGTN thông tin.
Mọi người tham dự lễ hạ thủy tàu phá băng vùng cực Xuelong 2 (Tuyết Long 2) được chế tạo trong nước đầu tiên của Trung Quốc, tại một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 10 tháng 9 năm 2018. Ảnh chụp ngày 10 tháng 9 năm 2018. Nguồn: REUTERS/Stringer/File Photo Acquire Licensing
Theo Maritime Executive, Tuyết Long 2 được sở hữu và quản lý bởi Viện nghiên cứu vùng cực của Trung Quốc. Con tàu do Trung Quốc chế tạo này có chiều dài 122 mét với chiều rộng 22 mét. Tàu phá băng có lượng giãn nước gần 14.000 tấn và khả năng dẫn đường 20.000 hải lý.
Tuyết Long 2 được thiết kế để phá lớp băng dày 1,5 mét cộng với 0,2 mét tuyết với tốc độ từ 2 đến 3 hải lý ở cả hướng trước và hướng sau. "Chiến thần" này có thể hoạt động ở nhiệt độ xuống tới -30 độ C.
"Chiến thần phá băng" lớn nhất của Trung Quốc này là con tàu hiện đại hàng đầu với trang thiết bị tiêu chuẩn cao dành cho các nhà nghiên cứu.
Chưa hết, con tàu dài hơn 100 mét này còn có thư viện và phòng tập thể dục. Trên tàu còn có một nhóm bác sĩ cung cấp dịch vụ y tế và 4 đầu bếp đang cung cấp "chế độ ăn uống cân bằng cho hàng trăm người trên tàu.
Đảo Inexpressible nổi tiếng với những trận gió mạnh, địa hình lởm chởm đầy đá. Ảnh: Antarcticanz.govt.nz
Trung Quốc đã có bốn trạm nghiên cứu ở Nam Cực được xây dựng từ năm 1985 đến năm 2014. Một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ ước tính trạm thứ năm có thể hoàn thành vào năm 2024.
Trạm nghiên cứu thứ năm dự kiến sẽ bao gồm một đài quan sát và một trạm vệ tinh mặt đất, có khả năng giúp Trung Quốc "lấp đầy khoảng trống lớn" trong khả năng tiếp cận lục địa cực Nam khắc nghiệt, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết trong một báo cáo năm 2023.
Trước đó, vào tháng 4/2023, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng truyền thông phương Tây đã thổi phồng rằng Trung Quốc "có khả năng sử dụng trạm Nam Cực của mình cho mục đích giám sát".
Người này cho biết, việc xây dựng trạm mới tuân thủ đầy đủ các quy tắc quốc tế và sẽ nâng cao kiến thức của con người về Nam Cực đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực, Globaltimes thông tin.
Đội thám hiểm khoa học Bắc Băng Dương lần thứ 13 của Trung Quốc khởi hành từ vùng Bắc Cực trên tàu phá băng vùng cực Tuyết Long 2 ngày 14/9/2023. Ảnh: CFP
Không chỉ nghiên cứu Nam Cực, Trung Quốc còn thúc đẩy tham vọng nghiên cứu Bắc Cực. Vào ngày 14/9/2023, đội thám hiểm khoa học Bắc Băng Dương lần thứ 13 của Trung Quốc khởi hành trên tàu phá băng Tuyết long 2.
CGTN cho biết, các nhà khoa học Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu trong các thí nghiệm thủy văn, khí tượng và vật lý trong chuyến thám hiểm Bắc Cực này.
Một trong những thí nghiệm là sử dụng Radar khẩu độ tổng hợp (SAR) để quan sát băng biển. SAR gửi tín hiệu vi sóng và ghi lại tín hiệu phân tán trở lại từ bề mặt Trái đất để tạo ra hình ảnh.
Nguồn: Reuters, Maritime Executive, CGTN, Globaltimes.cn