Vào ngày 13/6, Viện nghiên cứu Khảo cổ và Di tích văn hóa tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) thông báo phát hiện đáng kinh ngạc về 13.000 món đồ tạo tác, cổ vật được khai quật trong 6 hố hiến tế tại Tam Tinh Đôi (gần Thành Đô), di chỉ khảo cổ từng gây chấn động thế giới.
Tam Tinh Đôi là một di chỉ rất bí ẩn đối với cả các nhà khảo cổ và trong sử sách. Trên thực tế, các nhà sử học cũng biết tương đối ít về nền văn hóa Tam Tinh Đôi vì không có ghi chép trong lịch sử hay hài cốt nào còn sót lại. Dù nhiều người tin rằng Tam Tinh Đôi là một phần thuộc về nước Thục cổ đại, nhưng vẫn có rất ít thông tin.
Tuy nhiên, những phát hiện mới tại di chỉ này có thể giúp các nhà khảo cổ hiểu rõ hơn về vương quốc từng cai trị ở lưu vực phía tây Tứ Xuyên, dọc theo thượng lưu sông Dương Tử cho đến khi bị chinh phục vào năm 316 TCN.
Theo thông báo của Viện nghiên cứu Khảo cổ và Di tích văn hóa tỉnh Tứ Xuyên, ngoại trừ hố số 5 và số 6 có niên đại muộn hơn, các hố chôn khác đều được cho là có niên đại từ cuối thời nhà Thương, cách đây khoảng 3.000 năm đến 3.200 năm.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng xác nhận rằng nền văn hóa Tam Tinh Đôi được coi là một phần quan trọng của nền văn minh Trung Quốc.
Theo Xinhua, nhờ cuộc khai quật trên và xác định "tuổi" của các hố hiến tế là hơn 3.000 năm trước, các nhà khảo cổ đã giải quyết được câu hỏi, vấn đề tranh luận kéo dài hàng thập kỷ về bí ẩn niên đại của Tam Tinh Đôi.
Phát hiện "độc nhất vô nhị" ở Tam Tinh Đôi
Trước đó, một nhóm các nhà khảo cổ từ Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Tứ Xuyên, Đại học Bắc Kinh, Đại học Tứ Xuyên và các cơ quan nghiên cứu khác đã tiến hành khai quật 6 hố tại di chỉ Tam Tinh Đôi từ năm 2020.
Theo Xinhua, trong đợt khai quật gần đây nhất, các nhà khảo cổ tìm thấy 3.155 cổ vật tương đối nguyên vẹn, trong đó có hơn 2.000 đồ tạo tác và tượng bằng đồng.
Các nhà khảo cổ phát hiện một chiếc hộp làm bằng đồng có chứa một miếng ngọc thạch ở Tam Tinh Đôi. Ảnh: Xinhua
Đặc biệt, trong số các cổ vật trên, các nhà khảo cổ phát hiện một chiếc hộp được làm bằng đồng có hình mai rùa chứa một miếng ngọc thạch. Đây là một trong những phát hiện đáng kinh ngạc nhất ở di chỉ Tam Tinh Đôi. Các nhà khảo cổ cho rằng đây là lần đầu tiên họ phát hiện ra một đồ vật như vậy.
Trao đổi với Xinhua, Giáo sư Li Haichao tại Đại học Tứ Xuyên nhận định: "Sẽ không quá lời khi nói rằng đây là món đồ độc nhất vô nhị vì hình dáng đặc biệt, chế tác tinh xảo và thiết kế khéo léo. Mặc dù chúng tôi không biết đồ vật này được sử dụng để làm gì, nhưng chúng tôi có thể suy đoán rằng người cổ đại xem nó giống như báu vật".
Ngoài chiếc hộp độc đáo trên, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một bệ thờ bằng đồng cao khoảng 0,9 m ở một trong các hố chôn ở Tam Tinh Đôi. Theo các chuyên gia, những người thuộc nước Thục cổ đại có thể sử dụng bệ thờ để dâng lễ vật, đồ cúng tế cho tổ tiên, trời, đất. Những dấu vết xung quanh của tre, lau sậy, đậu nành, gia súc và lợn rừng ở xung quanh các hố cho thấy rằng tất cả những thứ này đều được dùng làm đồ cúng tế.
Bệ thờ bằng đồng được tìm thấy trong hố hiến tế số 8 tại di chỉ Tam Tinh Đôi. Ảnh: Xinhua
Những phát hiện khảo cổ mới này chủ yếu là từ các hố hiến tế số 7 và 8 ở di chỉ Tam Tinh Đôi.
Tại hố số 7, có nhiều cổ vật, đồ tạo tác quý bằng ngọc, đồng được tìm thấy. Trong khi đó, tại hố hiến tế số 8, ngoài bệ thờ bằng đồng, các nhà khảo cổ còn khai quật được nhiều loại cổ vật đa dạng, như mặt nạ vàng, một tác phẩm điêu khắc có đầu người và thân rắn được làm bằng đồng…
Phó giáo sư Zhao Hao tại Đại học Bắc Kinh, người đứng đầu cuộc khai quật tại hố số 8, đánh giá: "Những tác phẩm điêu khắc rất phức tạp, giàu trí tượng tượng và phản ánh thế giới do con người hình dung vào lúc bấy giờ, Chúng cũng thể hiện sự đa dạng và phong phú của nền văn minh Trung Quốc".
Ông Ran Honglin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa và Khảo cổ Tam Tinh Đôi, cho biết sự đa dạng của các cổ vật tại di chỉ này cho thấy sự trao đổi văn hóa giữa những nền văn minh cổ đại ở Trung Quốc.
Phần đầu bằng đồng có mặt nạ vàng được tìm thấy từ hố hiến tế số 8 tại Tam Tinh Đôi. Ảnh: Xinhua
Tam Tinh Đôi – Di chỉ khảo cổ gây chấn động thế giới
Di chỉ Tam Tinh Đôi nằm ở bờ nam của sông Áp Tử, thuộc phía tây bắc thành phố Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Đây được coi là một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất trong thế kỷ 20, gây chấn động thế giới.
Lý do khiến Tam Tinh Đôi đạt được những phát hiện gây chấn động giới khảo cổ là nhờ sự tham gia và hợp tác, nỗ lực của 39 tổ chức nghiên cứu khoa học, các trường đại học và hàng loạt các công ty công nghệ đứng sau công tác khai quật. Đội ngũ gồm đông đảo các chuyên gia này đã có những bước đột phá trong quá trình khai quật, bảo tồn và nghiên cứu đa ngành.
Tại hố hiến tế số 8, các nhà khảo cổ tìm thấy tác phẩm điêu khắc được làm bằng đồng có hình đầu người và thân rắn. Ảnh: Xinhua
Tam Tinh Đôi có diện tích 12 km2 và được cho là tàn tích của nước Thục, có niên đại từ khoảng 4.500 đến 3.000 năm.
Di chỉ này lần đầu được phát hiện vào cuối những năm 1920 sau khi có một người nông dân tình cờ tìm thấy hơn 400 đồ tạo tác được làm bằng ngọc thạch.
Vào những năm 1980, các nhà khảo cổ bất ngờ phát hiện thấy 2 hố hiến tế với hơn 1.700 đồ tạo tác. Thế nhưng công tác khai quật lại bị dừng cho đến năm 2019. Theo SCMP đưa tin, kể từ năm 2020 đến 2022, các chuyên gia phát hiện thêm 6 hố hiến tế tại di chỉ Tam Tinh Đôi. Như vậy, đến nay có 8 hố hiến tế được tìm thấy ở Tam Tinh Đôi.
Đặc biệt, vào năm 2021, các nhà khảo cổ vô cùng kinh ngạc khi tìm thấy một chiếc mặt nạ bằng vàng nặng khoảng 100 gram, và đồ vật bằng ngà voi, ngọc thạch tại di chỉ huyền bí này. Ngoài ra, tại hố hiến tế số 5, các chuyên gia cũng tìm thấy nhiều mảnh vàng nhất.
Hơn 90 năm, kể từ khi phát hiện lần đầu, mỗi cuộc khai quật về Tam Tinh Đôi đều trở thành chủ đề gây tò mò cho nhiều người. Hàng loạt cổ vật, đồ tạo tác quý hiếm được tìm thấy ở di chỉ khảo cổ này. Thậm chí, có những bức tượng hay mặt nạ bằng đồng vẫn còn nguyên vẹn với chế tác tinh xảo khiến nhiều chuyên gia kinh ngạc và cho rằng chúng không thể đến từ một nền văn minh đơn giản được. Do đó, khi theo dõi những cuộc khai quật này, nhiều người còn đùa rằng Tam Tinh Đôi có thể đến từ một nền văn minh ngoài hành tinh.
Theo các nhà nghiên cứu, việc tìm thấy nhiều cổ vật, đồ tạo tác bằng đồng ở Tam Tinh Đôi cho thấy rằng công nghệ đúc đồng và chế tác của những người thợ thủ công ở nước Thục cổ đại đã rất thuần thục.
Trong thời gian tới, các nhà khảo cổ, chuyên gia tiếp tục nghiên cứu để có thể tìm ra bí ẩn của Tam Tinh Đôi, nơi ẩn giấu một trong những nền văn minh kỳ bí của nhân loại.
Bài viết tham khảo nguồn: SCMP, CNN, CGTN, Sohu