Theo Science Alert, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi các nhà địa hóa học Yuchen Xu và Heng-Ci Tian từ Học viện Khoa học Trung Quốc đã tìm thấy các chất hóa học đặc biệt từ 17 mẫu cát mà sứ mệnh Hằng Nga-5 thu được ở vùng Oceanus Procellarum (tiếng Latin, có nghĩa là "Đại dương Bão tố") của Mặt Trăng .
Tất cả những vật liệu này khác với các mẫu ở vĩ độ thấp mà các tàu vũ trụ khác của Mỹ và Nga như Apollo và Luna thu được. Mẫu của Hằng Nga-5 từ vĩ độ trung bình, lấy từ đá bazan núi lửa trẻ nhất của Mặt Trăng.
Một lần nhật thực - Ảnh: SCIENCE
Sử dụng quang phổ Raman và quang phổ tia X phân tán năng lượng, họ đã nghiên cứu thành phần hóa học của các hạt này và phát hiện tỉ lệ hydro rất cao, cũng như tỉ lệ đồng vị deuterium/hydro rất thấp. Các tỉ lệ này phù hợp với những gì được tìm thấy trong gió Mặt Trời.
Điều này chỉ ra nước trên Mặt Trăng, ngoài những gì có nguồn gốc từ vật liệu Trái Đất sơ khai trước khi hai thiên thể phân tách hay từ các tiểu hành tinh và sao chổi đã va chạm, còn được góp phần bởi Mặt Trời.
Nó là kết quả của sự bắn phá các ion hydro từ gió Mặt Trời, đâm sầm vào bề mặt Mặt Trăng, tương tác với các oxit và khoáng chất, liên kết với oxy bị đánh bật ra bởi tác động. Kết quả là "Đại dương Bão tố" ở vĩ độ trung bình này cực kỳ giàu khoáng chất ngậm nước dạng regolith.
Một mô phỏng trong phòng thí nghiệm về quá trình này đã chứng minh những tác động cổ đại cũng như xác định được rằng Mặt Trăng hoàn toàn có khả năng lưu giữ nguồn nước quý giá đó.
Nguồn nước này là báu vật vô giá cho các cơ quan vũ trụ khắp thế giới, bởi sẽ cung cấp nguồn sống và nhiên liệu cho các sứ mệnh tương lai, bao gồm các căn cứ Mặt Trăng mà nhiều cơ quan vũ trụ đã lên kế hoạch.
Phát hiện cũng góp phần cho thấy thêm một cách mà "chiếc nôi sự sống" - nước - đến được với các thiên thể trong vũ trụ. Một số nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng vệ tinh giàu nước của Trái Đất có thể đã từng sinh ra sự sống, nhưng bị tuyệt chủng.
Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học PNAS.