Đài Loan đã triển khai gấp nhiều tàu chiến và máy bay theo dõi nhóm tác chiến dẫn đầu bởi Type-001A, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc. Việc điều tàu sân bay nội địa đi qua eo biển Đài Loan được giới quan sát cho rằng Bắc Kinh đang muốn thị uy sức mạnh và dằn mặt Mỹ.
Mỹ và Nhật Bản ngay lập tức cũng triển khai một số chiến hạm bám đuôi nhóm tàu sân bay nội địa do Trung Quốc phát triển.
Lầu Năm Góc, Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản và Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa bình luận về thông tin trên.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết và khẳng định việc đi qua eo biển là vi phạm chủ quyền, trong khi Mỹ và nhiều quốc gia xem tuyến đường này là vùng biển quốc tế.
Hải quân Mỹ gần đây tăng tần suất hiện diện tại eo biển Đài Loan bất chấp sự phản đối gay gắt từ Bắc Kinh.
Trung Quốc bắt đầu chế tạo chiếc Type-001A từ năm 2013 dựa trên thiết kế của tàu sân bay Liêu Ninh nhưng áp dụng một số cải tiến để tăng khả năng mang máy bay cho con tàu.
Type-001A cũng là tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, chiếc tàu này có vẻ ngoài khá tương đồng với chiếc Liêu Ninh, nhưng có nhà chứa máy bay và boong tàu lớn hơn, cho phép mang thêm nhiều tiêm kích hạm J-15 và trực thăng.
Theo chuyên gia hải quân Li Jie ở Bắc Kinh, phần đảo chứa đài chỉ huy, tháp kiểm soát bay... trêu tàu Type-001A nhỏ hơn 10% so với tàu Liêu Ninh, tạo thêm không gian hoạt động cho máy bay cảnh báo sớm và trực thăng.
Sàn đáp cũng rộng thêm nhờ loại bỏ 4 hệ thống vũ khí trên boong.
Type-001A có thể chứa tối đa 35 chiến đấu cơ J-15, so với 24 chiếc trên tàu Liêu Ninh.
Tuy có thiết kế cải tiến và được trang bị nhiều công nghệ mới hơn, dường như Type-001A không có nhiều thay đổi so với chiếc Liêu Ninh ra đời từ thời Liên Xô.
Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc vẫn sử dụng nồi hơi đốt dầu để tạo hơi nước chạy 8 turbine khí, còn boong tàu vẫn áp dụng phương thức cầu nhảy (ski jump) cho tiêm kích cất cánh.
Việc sử dụng nồi hơi đốt dầu sẽ giới hạn tầm tác chiến và thời gian hoạt động của con tàu, khiến nó phụ thuộc vào lực lượng hậu cần trên biển hoặc những căn cứ ở nước ngoài.
Trung Quốc hiện chỉ có một căn cứ hải quân tại Djibouti, khiến nước này khó lòng duy trì hoạt động kéo dài trên đại dương cho Type-001A cũng như Liêu Ninh.
Trong khi đó, các siêu tàu sân bay Mỹ đều sử dụng năng lượng hạt nhân, cho phép chúng chạy liên tục 20-25 năm mà không cần nạp nhiên liệu.
Cầu nhảy của Type-001A được phát triển dựa theo thiết kế của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov hạ thủy năm 1985, vốn chỉ thể hiện ưu thế khi tác chiến ở các vùng địa cực, cũng như đơn giản hóa việc đóng tàu.
Các tàu sân bay Mỹ hiện nay đều được trang bị máy phóng hơi nước, tàu sân bay lớp Ford đang được thử nghiệm thậm chí còn được gắn máy phóng điện từ hiện đại hơn.
Theo các chuyên gia, số lượng máy bay xuất kích từ cầu nhảy của tàu sân bay trong cùng một thời gian luôn thấp hơn nhiều so với sử dụng máy phóng hơi nước.
Cầu nhảy hạn chế đáng kể lượng nhiên liệu và vũ khí mà tiêm kích có thể mang theo, làm chúng phải hy sinh nhiều tính năng kỹ chiến thuật. Tàu sân bay sử dụng cầu nhảy cũng chỉ có thể vận hành tiêm kích và trực thăng, không thể triển khai những phi cơ cảnh báo sớm hoặc vận tải cơ cồng kềnh.
Type-001A chỉ dài hơn Liêu Ninh khoảng 10,5 m và có lượng giãn nước nhỉnh hơn khoảng 4.000-6.000 tấn. Liêu Ninh trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) Type 346, chiếc Type-001A cũng chỉ sử dụng biến thể Type 346A với một số cải tiến nhỏ.
Các nhà phân tích cho rằng Type-001A chủ yếu mang tính biểu tượng cho sức mạnh hải quân Trung Quốc, vẫn thua kém rất nhiều so với các siêu tàu sân bay trong biên chế hải quân Mỹ.
Mỹ đã mất hàng trăm năm để có thể sử dụng thành thạo các tàu sân bay cũng như hiểu được quy luật tác chiến của loại vũ khí hùng mạnh này.
Vì vậy Trung Quốc cho dù có đóng thành công những tàu sân bay họ cũng cần một khoảng thời gian dài nữa để đuổi kịp Mỹ.
Việc tàu sân bay vượt qua các cuộc chạy thử trên biển không có nghĩa là nó đã sẵn sàng để chiến đấu. Dù tàu Type-001A đã rời khỏi cảng Đại Liên thành công, nhiều vấn đề có thể và khả năng cao là sẽ xảy ra.
Trung Quốc sẽ phải tốn nhiều tiền của và nhân lực để hoàn thiện loại tàu sân bay này, khi đó Mỹ đã tiến lên một nấc mới với siêu tàu sân bay lớp Ford trang máy phóng điện từ và hệ thống tác chiến hiện đại cho hiệu năng chiến đấu gấp 2 lần lớp Nimitz hiện có.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-trung-quoc-co-y-gi-khi-dem-tau-san-bay-noi-dia-qua-eo-bien-dai-loan/833394.antd