Báo cáo phân tích có tiêu đề “Sự kết thúc của Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm trung: Hàm ý đối với châu Á” là một chương trong bản đánh giá an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương hàng năm do Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) công bố ngày 5/6 đề cập tới nhiều chủ đề an ninh khu vực như quan hệ Trung - Mỹ, chính sách của Triều Tiên và Nhật Bản.
Theo IISS, Trung Quốc có thể mất tới 95% kho dự trữ tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình nếu ký hiệp ước tương tự như Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) trong thập niên 1980.
INF được ký kết giữa Mỹ và Liên Xô vào năm 1987, trong đó cấm tất cả các hệ thống tên lửa đạn đạo và hành trình phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500 km - 5.500 km.
Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước INF vào tháng 8/2019 với cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận khi phát triển và đưa vào trang bị tên lửa 9M279 bất chấp sự phủ nhận của Moscow.
Tuy nhiên, báo cáo của IISS cho thấy Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF là với mục đích nhắm tới kho tên lửa của Trung Quốc khi Bắc Kinh được cho là đã phát triển kho vũ khí tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung lớn nhất thế giới.
Số liệu riêng của IISS ước tính Trung Quốc đang sở hữu hơn 2.200 tên lửa nằm trong các giới hạn của INF.
Mặc dù vậy, xét tới việc những tên lửa này mang lại cho Trung Quốc những “lợi thế so sánh tương đối” trong khu vực nên theo đánh giá của IISS, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không ký một hiệp ước kiểm soát vũ khí tiềm năng như Hiệp ước INF.
Các loại tên lửa DF-17, DF-100 và DF-41 xuất hiện trong lễ duyệt binh của Trung Quốc hôm 1/10/2019