Nhóm Dự án Không quân thuộc Tập đoàn Nghiên cứu Rand (Rand Corp) cho rằng, Không quân Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh của mình để cạnh tranh trực tiếp với Không quân Mỹ, cả về công nghệ và chiến lược, bằng cách sao chép các khả năng quân sự cũng như học thuyết của chính Quân đội Mỹ.
"Điều quan trọng cần thấy rằng, trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, Quân đội Trung Quốc (PLA) tập trung rất nhiều nỗ lực vào việc trang bị các khả năng cụ thể nhằm tích lũy đủ chất lượng để ngăn chặn xảy ra xung đột với Mỹ. Về cơ bản, PLA muốn xây dựng đủ khả năng răn đe hơn là buộc phải can dự vào các chiến dịch thực tế", báo cáo của Rand viết.
"Theo hướng này, việc cạnh tranh về khả năng quân sự có thể được xem như cách thức để Trung Quốc hiện thực hóa mục đích đánh bại Mỹ mà không cần tham chiến".
Phi công Trung Quốc chuẩn bị tham gia diễn tập cùng máy bay ném bom H-6K. Ảnh: AP
Sao chép hoặc tự sáng tạo là hai cách mà Trung Quốc thường áp dụng để đạt được mục tiêu nêu trên. Tuy nhiên, theo Rand, "với chi phí rẻ hơn, thời gian triển khai nhanh hơn, sao chép dường như vẫn là biện pháp được Trung Quốc ưu chuộng hơn cả và thực hiện bất cứ khi nào có thể".
Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học làm việc cho Rand đã ghi nhận cách thức Trung Quốc tái cấu trúc PLAAF và đổi mới sáng tạo công nghệ để tiến tới chuẩn bị cho khả năng đối đầu với Mỹ.
Chiến lược khuếch trương sức mạnh của Trung Quốc được xây dựng xung quanh trục: Phát triển các tên lửa đạn đạo và hành trình tấn công chính xác, rồi sau đó yểm trợ thêm bằng mạng lưới dày đặc các tên lửa đất đối không và tiêm kích phản lực tiên tiến.
"Động lực chính để Trung Quốc tập trung phát triển sức mạnh không quân vũ trụ là dựa trên quan điểm: PLA cần chuẩn bị sẵn sàng khả năng răn đe, và nếu cần thiết sẽ đánh bại Mỹ trong một cuộc xung đột công nghệ cao", báo cáo của Rand nhấn mạnh.
Tài liệu nghiên cứu của Rand cũng chỉ rõ, PLA có xu hướng sao chép công nghệ quân sự, thiết kế tổ chức, và các khái niệm tác chiến của nước ngoài nếu thấy phù hợp với họ nhưng lại không có khả năng sáng tạo ra các giải pháp cho riêng mình khi cần.
Tiêm kích tàng hình J-31 Trung Quốc như một bản sao của F-35 Mỹ. Ảnh: AP
Các bài viết của PLAAF thường coi Không quân Mỹ như một mô hình mẫu để dựa vào đó họ xây dựng nên một "lực lượng không quân chiến lược", không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc mà còn đủ khả năng hỗ trợ các mục tiêu chính sách quốc gia của Bắc Kinh.
Theo Rand, Quân đội Trung Quốc dường như có xu hướng "học tập" Mỹ trong hầu hết các kế hoạch phát triển của họ trên các lĩnh vực như: tình báo chiến lược, do thám, trinh sát, không vận chiến thuật và chiến lược cũng như các phương tiện tấn công từ trên không.
"Rất nhiều nhà quan sát Mỹ nhận thấy có quá nhiều nét tương đồng trong các hệ thống vũ khí của Trung Quốc và cả cách thức hoạt động, rất giống hoặc chí ít cũng được xây dựng từ kết quả "quan sát" hoặc đánh cắp của Mỹ hoặc các nước khác".
Trong nghiên cứu của mình, Rand đã lập một bảng thống kể các lĩnh vực chủ yếu mà Trung Quốc có xu hướng sao chép từ Không quân Mỹ. Theo đó, đứng đầu bảng này là mức độ giống nhau đến kỳ lạ giữa các tiêm kích tàng hình J-20 và J-31 của PLAAF với các máy bay F-22 và F-35 của Không quân Mỹ.
Trung Quốc tuyên bố J-20 đã sẵn sàng tham chiến