Nhiều năm tiến bộ xã hội tại Trung Quốc đang đối diện với rủi ro đảo ngược khi mà Trung Quốc đang chật vật với tác động kinh tế từ đại dịch. Đại dịch đang tác động xấu đến nền kinh tế thứ 2 thế giới và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên những mức cao lịch sử.
Trong vòng vài năm qua, thị trường lao động Trung Quốc đã ổn định hơn nhờ số việc làm trong ngành dịch vụ tăng, những công nhân bị nhà máy sa thải không khó để kiếm được việc làm trong ngành dịch vụ. Họ có thể làm công việc vận chuyển hoặc kho bãi.
Khi Trung Quốc bắt đầu khởi động cỗ máy kinh tế vào giữa tháng 2/2020 sau nhiều tháng phong tỏa đất nước, nhiều lĩnh vực vẫn đang chật vật phục hồi.
Trên khắp đất nước, không khó để thấy rất nhiều cửa hàng đóng cửa, những cửa hàng kinh doanh gần các khu trường đại học chật vật bởi sinh viên không quay lại trường.
Trong một số trung tâm sản xuất lớn của Trung Quốc, người lao động đang chịu áp lực từ rất nhiều phía, thách thức này càng trở nên rõ ràng hơn sau khi kinh tế Trung Quốc quý 1/2020 suy giảm lần đầu tiên trong 40 năm.
Khi mà thị trường việc làm tại Trung Quốc yếu đi, các mục tiêu phát triển xã hội của Trung Quốc, trong đó có bao gồm việc tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người trong thập niên tính đến năm 2020 và xóa bỏ đói nghèo, dường như đang trở nên xa vời.
2 chuyên gia kinh tế thuộc đại học Tài chính Kinh tế Tây Nam ở thành phố Thành Đô – Trung Quốc, ông Ouyang Jun và ông Qin Fang, nhận xét: “Bởi áp lực chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc lớn, áp lực suy giảm lên kinh tế Trung Quốc ngày một lớn hơn, tình hình thị trường việc làm đang ngày một xấu đi. Sau đại dịch, nhiệm vụ bình ổn thị trường việc làm đã trở nên khó khăn hơn nữa”.