Để tôi kể bạn câu chuyện có thực: iPhone mới còn chưa ra mắt, người Trung Quốc đã rục rịch làm ốp lưng đi kèm với thiết bị, dù chưa chắc chắn chiếc iPhone mới có hình thù ra sao. iPhone mới ra mắt được một thời gian ngắn, các nhà sản xuất Trung Quốc đã có thể "mượn tạm" thiết kế để mà tự tạo ra sản phẩm của mình rồi, chưa kể còn làm được cả hàng nhái, làm ra được chiếc iPhone chạy Android chứa đầy malware độc hại. Với nguồn lực khổng lồ cùng sự hậu thuẫn mạnh mẽ của chính phủ, các công ty Trung Quốc dễ dàng vượt mặt những ông lớn toàn cầu về sản lượng và doanh số.
Vậy tại sao Trung Quốc, đất nước nổi tiếng với việc "mượn đỡ" thiết kế của nước ngoài để tạo ra các sản phẩm nội địa có thể đánh bại hàng "chính chủ" lại chưa thắng được xe điện Tesla, xét trên doanh số? (cần phải nhớ Tesla là một công ty tư nhân với khả năng tài chính không mấy dồi dào được như các công ty Trung Quốc).
Để trả lời cho câu hỏi này, ta cần tính tới rất nhiều khía cạnh khác nhau.
Yếu tố quan trọng nhất trong chiếc xe Tesla đó chính là viên pin. Không phải là thiết kế xe siêu sang, không phải động cơ điện mạnh mẽ, không phải giá hời: thứ làm nên thành công cho Tesla chính là viên pin. Hơn ai hết, Elon Musk hiểu rõ điều đó từ những ngày đầu.
Trong các hội chợ công nghệ, các hãng xe luôn lấy trọng tâm quảng cáo là công nghệ tự lái hào nhoáng, động cơ điện nhưng có phải bạn thấy rằng Tesla ít có đối thủ? Đó là vì những hãng xe lớn chưa tìm được cách sản xuất ra một viên pin hiệu quả. Kể từ khi nắm quyền hành Tesla năm 2003, Musk đã nhận thấy tầm quan trọng của viên pin.
Dây chuyền sản xuất pin bên trong Gigafactory.
Không đầu tư nhiều vào kiểu cách thiết kế và động cơ điện, Elon Musk dồn phần lớn công sức để xây dựng nên nhà máy khổng lồ Gigafactory. Tesla hợp tác với Panasonic, đề ra trọng tâm chính là sản xuất pin (việc lắp ráp xe Tesla tại Gigafactory chỉ là phần phụ).
Trung Quốc chưa thể đạt được con số đầy ấn tượng của Gigafactory, do đó họ chưa chưa thể sản xuất được những chiếc xe điện hiệu quả về mặt chi phí/sản lượng. Chừng nào họ vẫn phải sử dụng nguồn cung từ chính Tesla, khả năng "độc lập tự chủ" của các công ty xe điện Trung Quốc vẫn còn là điều quá xa vời.
Chiếc xe đầu tiên Tesla làm ra, chiếc Roadster 2008 là chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên sử dụng dụng pin lithium-ion, và cũng là chiếc xe điện đầu tiên chạy được hơn 320 km/mỗi lần sạc. Đó là một thành tựu lớn mà nhiều hãng xe lớn như BMW, Ford hay Volkswagen đến giờ vẫn chưa làm được. Cũng phải nói thêm rằng đã có những hãng xe vượt mặt Tesla về số km chạy trên mỗi lần sạc, đơn cử như Huyndai, Renault, Chevrolet và Jaguar.
Một yếu tố quan trọng khác, còn phức tạp hơn nữa, đó chính là phần mềm chạy xe Tesla. Cũng giống như iOS của Apple hay Android của Google, xe Tesla cũng có một hệ điều hành riêng, là một phiên bản đã được chỉnh sửa của Linux Ubuntu. Có hai khía cạnh nhỏ khiến cho HĐH của Tesla hoạt động trơn tru.
Nó liên tục được cập nhật qua kết nối mạng. Giả dụ Trung Quốc có thể tìm ra cách vận hành phần mềm trên chiếc xe điện của mình, họ cũng không thể liên tục chạy theo các bản cập nhật phần mềm mới với một loạt thay đổi được. Bản thân chúng ta chạy theo update của iOS, Android cũng đã bở hơi tai.
Hệ thống tự lái của xe Tesla vẫn chưa hoàn thiện, đến bản thân hãng còn gặp khó khăn trong việc lập trình nên một chiếc xe tự động hóa hoàn toàn, thì quá khó cho một nhà sản xuất Trung Quốc có thể "đánh cắp công nghệ", làm ra sản phẩm tương tự. Nói đi cũng phải nói lại: hệ thống tự lái chưa hoàn thiện thì Trung Quốc hoàn toàn có thể vượt mặt Tesla ở khoản này trong tương lai. Khi họ làm được và thậm chí thành công hơn cả hãng xe điện Mỹ, vị thế thị trường sẽ thay đổi.
Chúng ta đang nói về Trung Quốc, nơi được New York Times gọi là "tấm bọt biển hấp thu mọi loại công nghệ". Họ có rất nhiều tài nguyên, nguồn lực để làm ra được một chiếc xe điện. Mà họ còn làm rồi ấy chứ.
Bên cạnh những chiếc xe rõ ràng là nhái lại, họ vẫn có những mẫu xe điện khác, thậm chí có vài năm nay rồi. Đơn cử, ta có chiếc BYD e6 của hãng BYD, ra mắt từ năm 2010. Vào thời điểm ra mắt, BYD e6 hoạt động dưới dạng một đội ngũ xe taxi, gói gọn trong khuôn viên của thành phố Thâm Quyến.
Càng ngày, BYD e6 càng thịnh hành và vào thời điểm tháng Giêng năm 2016, các xe e6 đã có mặt tại Colombia, Bỉ, Mỹ, Hà Lan, Anh Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Uruguay. BYD e6 được vinh danh là chiếc xe thuần điện bán chạy nhất 2016 tại Trung Quốc, đoạt huy chương vàng cho hạng mục "Sản phẩm Chất lượng Tốt nhất" tại Hội chợ Quốc tế Havana năm 2015. BYD e6 có cự ly chạy 300 km/mỗi lần sạc, pin sạc dược 4000 vòng và có chức năng sạc nhanh, 80% chỉ trong 15 phút.
Cụ thể hơn, ta chẳng cần lo việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ của Tesla về để sản xuất xe điện cho mình, bởi vì còn gì đâu mà đánh cắp. Ngày 12 tháng Sáu năm 2014, Elon Musk – CEO đương thời và vẫn là CEO đương nhiệm của Tesla – soạn ra bức tâm thư có tên "Mọi bằng sáng chế của chúng tôi giờ thuộc về bạn" . Tesla công bố mọi bằng sáng chế mà mình có về hệ thống kĩ thuật của xe Tesla. Họ sẽ không đâm đơn kiện bất kì bên nào có ý định sử dụng, đã sử dụng hay sẽ sử dụng công nghệ của Tesla để sản xuất xe.
Musk cũng tâm sự rằng ông chẳng lo các công ty sản xuất xe lớn dựa trên những bằng sáng chế mà Tesla công bố và bằng sức mạnh lắp ráp xe khổng lồ, vượt mặt Tesla trên mọi phương diện. Musk tự tin vậy là vì các chương trình sản xuất xe điện của các công ty lớn vẫn còn rất hạn chế, gần như không tồn tại. Doanh số xe điện (hay bất kì xe nào không chạy động cơ đốt trong) chỉ chiếm khoảng 1% tổng doanh số xe. Thông số trên dù hơi cũ, đã tăng vài phần nhưng vẫn phản ánh được thực trạng: các công ty xe khổng lồ không dành quá nhiều sự chú ý cho xe chạy điện.
Musk mong muốn tạo ra một nền tảng công nghệ liên tục tiến lên phía trước, cụ thể là muốn ngành xe điện bứt phá, loại bỏ hoàn toàn việc di chuyển dựa vào chất đốt – hành động ảnh hưởng nặng nề tới môi trường. Ông muốn thấy toàn bộ ngành xe điện phát triển vượt bậc, chứ không chỉ muốn làm tiền từ Tesla.
Có người nói rằng Tesla chính là Apple của làng xe hơi chạy điện, làm ra những món hàng bóng bẩy, ai cũng muốn sở hữu, các hãng xe khác chạy theo sau chính là đại đa số các mẫu Android luôn muốn bắt chước khuôn mẫu nhiều người yêu thích. Tai thỏ của iPhone X phải chăng chính là hệ thống tự lái của xe Tesla?
Vu vơ vậy thôi, những câu hỏi khó phải để thời gian trả lời mới được.