Các nhà phân tích nhận định, Trung Quốc dường như sẽ điều động thêm tàu hải cảnh tới thăm cảng các nước láng giềng nhằm làm mềm hình ảnh của lực lượng này. Bởi lâu nay, hải cảnh Trung Quốc vốn là lực lượng được chính quyền Bắc Kinh sử dụng để hiện thực hóa những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Đánh giá của giới chuyên gia được đưa ra sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu số hiệu 5204 ghé thăm Philippines vào ngày 14/1.
“Chuyến thăm cảng là một phần trong nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Tôi muốn nói rằng, đây là mục đích của Trung Quốc nhằm đối thoại và đàm phán với lực lượng hải cảnh Philippines”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời Đô đốc Joel Garcia, Chỉ huy Lực lượng Hải cảnh Philippines nhận định.
“Chúng tôi tin chuyến thăm sẽ là cơ hội tốt đẹp cho cả hai bên để thể hiện thiện chí, sự hiểu biết đôi bên sâu sắc và sự tin tưởng cũng như tăng cường tình hữu nghị và hợp tác”, tuyên bố từ đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh.
Ngoài ra, tàu hải cảnh 5204 của Trung Quốc còn chở theo lô hàng cứu trợ cho hàng ngàn người dân Philippines phải đi sơ tán sau khi núi lửa Taal ở Batangas phun trào dữ dội.
Đáng nói, chuyến thăm kéo dài từ ngày 14 - 17/1 của tàu 5204 diễn ra trong bối cảnh, dư luận Philippines ngày càng tức giận trước việc Trung Quốc nhiều lần tiến vào vùng đặc quyền kinh tế mà Manila tuyên bố trên Biển Đông. Do đó, các quan chức Trung Quốc – Philippines đã tiến hành thảo luận về những quy định hàng hải và các mối quan tâm giữa hai nước.
Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore cho rằng, việc Bắc Kinh điều động tàu 5204 tới thăm Manila là nhằm làm dịu hình ảnh của hải cảnh Trung Quốc, lực lượng lâu nay được xem chuyên đi cưỡng ép.
“Bắc Kinh hy vọng sử dụng chuyến thăm này như một hình mẫu cho thấy các lực lượng hải cảnh có thể hợp tác dù tồn tại bất đồng, cùng hy vọng các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong khu vực Đông Nam Á có thể tiến hành những trao đổi tương tự”, ông Koh nhận định.
Cũng theo ông Koh, chuyến thăm của tàu hải cảnh Trung Quốc đến Manila dường như chưa đủ để có thể thay đổi cái nhìn tiêu cực ở Philippines về lực lượng này, dù con tàu tiến hành vận chuyển viện trợ cho các nạn nhân bị ảnh hưởng từ núi lửa Taal phun trào.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Mỹ cùng các đối tác và đồng minh gồm Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp và Ấn Độ thường xuyên có những hành động nhằm thách thức việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý và mở rộng quân sự hóa ở Biển Đông .
Ông Zhou Chenming, một nhà bình luận quân sự tại Bắc Kinh biện minh rằng, Trung Quốc hy vọng việc tăng cường các chuyến thăm thân thiện của lực lượng hải cảnh sẽ giúp tránh tình trạng hiểu nhầm giữa các nước láng giềng.
“Hành động này giúp các nước hiểu chúng tôi hơn cũng như tránh được những hiểu nhầm, từ đó giúp giảm thiểu khả năng bùng phát đối đầu trên Biển Đông ”, ông Zhou nói.
Tuy nhiên, nghị sĩ Rufus Rodriguez, Chủ tịch Ủy ban sửa đổi hiến pháp tại Hạ viện Philippines lại cho rằng, Philippines không nên chào đón tàu hải cảnh và thủy thủ đoàn Trung Quốc. Nguyên nhân là do họ chính là công cụ được chính quyền Bắc Kinh dùng để quấy rối và dọa dẫm ngư dân Philippines hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mà Philippines tuyên bố trên Biển Đông.
Hồi tháng 9/2019, một bản báo cáo của Viện Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế của Mỹ cho hay, 70% tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc được dùng để tuần tra trên Biển Đông trong năm.
Ngoài Biển Đông, các tàu hải cảnh Trung Quốc còn tiến hành tuần tra gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Đây là nhóm đảo đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc nhưng hiện nằm dưới sự kiểm soát của Tokyo.