Tên lửa đẩy Trường Chinh-7 Y6 mang theo tàu chở hàng Thiên Châu-5 được phóng từ bãi phóng tàu vũ trụ Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, ngày 12/11/2022. Ảnh tư liệu (minh họa): THX/TTXVN
Trao đổi với báo giới, ông Zhang Rongqiao, nhà thiết kế chính của chương trình thám hiểm hành tinh của Trung Quốc và sứ mệnh Thiên vấn 2, cho biết mục tiêu chính của sứ mệnh Thiên vấn 2 là phóng tàu thăm dò lên tiểu hành tinh 2016HO3 để lấy mẫu. Tàu vũ trụ sẽ bay vòng quanh và sau đó sẽ đáp xuống tiểu hành tinh để thu thập mẫu.
Nếu thành công, đây sẽ là các mẫu đầu tiên mà Trung Quốc thu thập được từ không gian liên hành tinh. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tàu vũ trụ dự kiến sẽ tiếp tục hành trình để thăm dò một sao chổi ở vành đai tiểu hành tinh chính giữa Sao Hỏa và Sao Mộc.
Tiểu hành tinh 2016HO3, có khả năng không lớn hơn 100 m chiều ngang - lần đầu tiên được phát hiện nhờ kính thiên văn nghiên cứu tiểu hành tinh Pan-STARRS ở Hawaii, Mỹ vào tháng 4/2016. Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), tiểu hành tinh này quay quanh quỹ đạo Mặt Trời theo đường elip cũng tương đương với quỹ đạo của Trái Đất. 2016HO3 cũng quay quanh Trái Đất giống như một "bán vệ tinh".
Hồi năm 2021, tàu vũ trụ không người lái Thiên vấn 1 đã đáp xuống Sao Hỏa, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai có tàu thám hiểm hạ cánh thành công xuống bề mặt hành tinh này, sau Mỹ.
Năm 2021, tàu vũ trụ OSIRIS-REx của NASA đã hạ cánh xuống Bennu, tiểu hành tinh có kích thước bằng một tòa nhà chọc trời cách Trái Đất khoảng 320 triệu km. Trước đó, năm 2019, một tàu thăm dò của Nhật Bản đã đáp xuống Ryugu, tiểu hành tinh cách Trái Đất 250 triệu km.