Trung Quốc có động thái chưa từng có, muốn "soán" ngôi vương công nghệ của Mỹ

Thu Ngọc |

Mong muốn chiếm ngôi vương về công nghệ của Mỹ, Trung Quốc công bố sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ trị giá 1,4 nghìn tỉ USD.

Trung Quốc chính thức bước vào cuộc đua công nghệ toàn cầu

Bắc Kinh đang mong muốn vươn tới vị trí lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ thông qua bơm vào nền kinh tế hơn một nghìn tỷ USD để triển khai mạng công nghệ mạng không dây 5G và trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo kế hoạch tổng thể do Chủ tịch Tập Cận Bình thông qua, Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ NDT (1,4 nghìn tỷ USD) từ nay đến năm 2025, kêu gọi sự hỗ trợ từ chính quyền đô thị và các tập đoàn công nghệ tư nhân như tập đoàn Huawei giúp xây dựng mạng không dây 5G, lắp đặt hệ thống camera và cảm biến và phát triển phần mềm AI. Đây là các nền tảng thiết yếu hỗ trợ cho sự phát triển của công nghệ xe tự hành, nhà máy tự động hóa và hệ thống giám sát công cộng. Sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng mới này dự kiến ​​sẽ chủ yếu hỗ trợ sự phát triển của các tập đoàn hàng đầu trong nước như Alibaba, Huawei và SenseTime.

Sự ra đời của sáng kiến này nhằm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài, một lần nữa xác nhận lại những mục tiêu đã đề ra trước đây trong chương trình "Made in China 2025". Những sáng kiến ​​như thế này đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ phía Mỹ, dẫn đến những quyết định hạn chế của chính quyền tổng thống Trump áp đặt lên các tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Huawei.

Giám đốc điều hành Digital China Holdings Maria Kwok cho biết "Điều này chưa từng xảy ra trước đây. Đây là dấu hiệu chứng minh Trung Quốc chính thức tham gia cuộc đua công nghệ toàn cầu. Bắt đầu từ đầu năm, chúng tôi đã thấy nhiều giao dịch được tiến hành".

Kế hoạch thúc đẩy đầu tư công nghệ này là một phần của chương trình cứu trợ tài chính sẽ được Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân Trung Quốc khai mạc trong tuần này phê duyệt. Trong bối cảnh Trung Quốc đang trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế chậm nhất kể từ thời Mao Trạch Đông, Bắc Kinh dự kiến ​​sẽ công bố khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng lên tới 563 tỷ USD trong năm nay.

Hai nhà cung cấp lớn nhất về công nghệ điện toán đám mây và phân tích dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc là Alibaba và Tencent Holdings sẽ đóng vai trò quan trọng trong sáng kiến lần này. Trung Quốc đã ủy thác cho tập đoàn Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, hỗ trợ xây dựng công nghệ mạng không dây 5G. Các đại gia công nghệ gồm Pony Mã Hóa Đằng và Jack Ma cũng sẽ tham gia sáng kiến này.

Tập đoàn Digital China là một nhà cung cấp tích hợp hệ thống công nghệ thông tin là 1 trong số doanh nghiệp Trung Quốc nhận thấy cơ hội to lớn từ sáng kiến này. Digital China đang tiến hành số hóa 500.000 ngôi nhà tại tỉnh Quảng Châu, trong đó có một khu phức hợp rộng bằng ¾ diện tích Công viên Central Park ở thành phố New York. Để tìm nhà, người dùng chỉ cần đăng nhập vào một ứng dụng, quét khuôn mặt của họ và xác minh danh tính. Các hợp đồng thuê nhà có thể được ký kết trực tuyến. Nếu người thuê nhà trả tiền thuê nhà chậm thì cơ quan chủ quản sẽ nhận được cảnh báo tự động.

Băn khoăn về hiệu quả

Tuy vậy, trước đây chính phủ Trung Quốc cũng đã từng thông qua dự án "siêu khủng" nhưng lại không đem lại nhiều hiệu quả và không có gì đảm bảo sáng kiến này sẽ mang lại kết quả như kỳ vọng. Không giống như những nỗ lực trước đây để hồi sinh nền kinh tế với việc xây dựng cầu và đường cao tốc, dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sẽ giúp Bắc Kinh khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ thế giới với các công nghệ tiên tiến nhất.

Nannan Kou, quản lý bộ phận nghiên cứu tại hãng BloombergNEF, nhận định trong 1 báo cáo "Kế hoạch kích thích mới của Trung Quốc có thể dẫn đến việc hợp nhất các nhà cung cấp internet và sự ra đời của các tập đoàn quy mô lớn cạnh tranh với các tên tuổi hàng đầu như GE và Siemens. Tôi dám cá là trong đó sẽ thuộc lĩnh vực Internet vạn vật (IoT), vì Trung Quốc đã đặt mục tiêu sở hữu ba công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này vào năm 2025".

Không chỉ có Trung Quốc đổ tiền vào lĩnh vực công nghệ như một cách để thoát khỏi suy thoái kinh tế sau đại dịch COVID. Đầu tháng 5 này, Hàn Quốc cũng thông báo AI và mạng không dây sẽ là 2 bộ phận quan trọng của dự án có tên gọi" New Deal" nhằm tạo ra việc làm và tăng trưởng cho nền kinh tế.

Theo Trung tâm phát triển công nghiệp thông tin Trung Quốc, các lĩnh vực sẽ nhận được đầu tư từ khoản ngân sách 10 nghìn tỷ NDT gồm các lĩnh vực then chốt, như AI và IoT, hệ thống đường dây điện cao thế và đường sắt cao tốc. Theo thông tin từ 1 tờ báo của chính phủ, hơn 20 trong số 31 tỉnh và khu vực của Trung Quốc đại lục đã công bố các dự án với tổng trị giá hơn 1 nghìn tỷ NDT với sự tham gia tích cực từ doanh nghiệp tư nhân.

Theo tính toán của hãng Morgan Stanley, dự án cơ sở hạ tầng công nghệ có trị giá khoảng 180 tỷ USD/ năm. Tổng giá trị toàn bộ sáng kiến trong 11 năm sẽ tương đương 1,98 nghìn tỷ USD. Những dự toán này cũng bao gồm chi phí đường dây điện và đường sắt cao tốc. Mức chi hàng năm sẽ gần gấp đôi mức trung bình của 3 năm qua. Trong một báo cáo tháng 3 của 1 ngân hàng đầu tư, cổ phiếu của những tập đoàn như China Tower Corp, Alibaba, GDS Holdings, Quanta Computer và Eclech Co sẽ tăng giá nhờ sáng kiến này.

Nhờ có sáng kiến này mà 5 trong số 10 cổ phiếu có lượng giao dịch tốt nhất trên thị trường chứng khoán trong năm nay đều là các tập đoàn công nghệ như nhà sản xuất thiết bị mạng Dawning Information Industry và nhà cung cấp cho hãng Apple GoerTek. Bản đề cương của sáng kiến này đã khiến cho thị trường công nghệ Trung Quốc trở nên hết sức sôi động từ các doanh nghiệp vận hành vệ tinh đến các doanh nghiệp cung cấp băng thông rộng.

Nhiều khả năng các công ty Mỹ sẽ không được hưởng lợi nhiều từ các biện pháp kích thích công nghệ. Trong một số trường hợp, các doanh nghiệp còn bị lấy mất hoạt động kinh doanh hiện tại. Đầu năm nay, khi nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Trung Quốc - China Mobile - được chính phủ chỉ định thực hiện hợp đồng xây dựng các trạm phát sóng 5G trị giá 37 tỷ Nhân dân tệ, các công ty trong nước trong đó có Huawei nhận được phần hợp đồng lớn nhất. Tập đoàn Ericsson của Thụy Điển chỉ được nhận hơn 10% giá trị hợp đồng trong 4 tháng đầu tiên.

Một trong các dự án của tập đoàn Digital China là dự án giúp thành phố Trường Xuân trao đổi công nghệ điện toán đám mây trong nước phát triển với công nghệ của các tập đoàn hàng đầu của Mỹ như IBM, Oracle và EMC.

Phần lớn dự án phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ sẽ diễn ra tại các trung tâm dữ liệu. Theo 1 nghiên cứu của hãng UBS công bố hồi tháng 3 vừa qua, hơn 20 tỉnh đã đưa ra các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây. Ông Tony Yu, giám đốc điều hành của hãng sản xuất máy chủ H3C, nói rằng công ty của mình đang chứng kiến ​​nhu cầu về các dịch vụ trung tâm dữ liệu gia tăng đáng kể từ một số công ty Internet hàng đầu tại Trung Quốc. "Tăng trưởng nhanh chóng trong các lĩnh vực công nghệ sẽ mang lại một động lực mới cho nền kinh tế Trung Quốc sau khi đại dịch qua đi" ông Yu phát biểu với hãng Bloomberg News.

Tập đoàn điều hành trung tâm dữ liệu ChinData Group ước tính rằng cứ 1 USD chi cho các trung tâm dữ liệu sẽ có khoản đầu tư từ 5- 10 USD vào các lĩnh vực liên quan, bao gồm cả mạng lưới điện và sản xuất thiết bị tiên tiến. "Các công ty trong chuỗi cung ứng sẽ được hưởng lợi" trích tuyên bố của ChinData.

Tất nhiên, người ta cũng đặt câu hỏi về tính hiệu quả và nguồn tiền cho dự án siêu khổng lồ này. Ông Zhu Tian, ​​giáo sư kinh tế tại trường kinh doanh quốc tế China Europe tại Thượng Hải cho biết, "…Vực dậy cả nền kinh tế Trung Quốc bằng dự án này là điều không thể. Nếu lo lắng về mức nợ công và khả năng trả nợ, chính phủ tất nhiên sẽ không triển khai dự án này. Nhưng đây là một việc cần làm vào thời điểm khủng hoảng như hiện nay".

Trung Quốc có động thái chưa từng có, muốn soán ngôi vương công nghệ của Mỹ - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại