Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 16-7 tuyên bố Canberra sẽ tiếp tục ủng hộ "rất mạnh mẽ" hoạt động tự do hàng hải trên biển Đông. "Úc sẽ theo đuổi một lập trường rất nhất quán" - Thủ tướng Morrison khẳng định khi được hỏi liệu quốc gia của ông có ủng hộ lập trường của Mỹ trên biển Đông hay không.
Theo nhà phân tích cấp cao của Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI) Lê Thu Hương, chính phủ Úc được mong đợi ủng hộ Washington, kể cả về mặt quân sự. "Mỹ muốn được các nước láng giềng và đồng minh ủng hộ chính sách… Một vài nước cho rằng Úc cần đẩy mạnh hoạt động và hỗ trợ Mỹ tích cực hơn" - vị này cho biết, đồng thời khẳng định việc ủng hộ Mỹ vốn phù hợp với chính sách của Úc về việc phản đối yêu sách phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông.
Mặc dù đã tập trận trên biển Đông, Úc thời gian qua còn e ngại tham gia chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải (FONOP) do Mỹ dẫn đầu tại các vùng biển tranh chấp nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Tuy nhiên, bà Lê Thu Hương khẳng định vấn đề này có thể đang được xét lại bởi "thế giới hiện trong thời điểm quân sự hóa và căng thẳng hơn".
Trong khi đó, ngay khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bác gần hết yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 14-7 chủ động liên hệ với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin để xoa dịu căng thẳng. "Hai bên khẳng định các vấn đề hàng hải gây tranh cãi không phải là tất cả trong mối quan hệ song phương Philippines - Trung Quốc" - Bộ Ngoại giao Philippines thông báo.
Trong cuộc điện đàm nêu trên, theo Tân Hoa Xã, Bộ trưởng Vương Nghị cáo buộc Mỹ liên tục gây sóng gió và thúc đẩy quân sự hóa biển Đông, đồng thời khẳng định tuyên bố nêu trên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã vi phạm cam kết của họ về việc duy trì lập trường trung lập trong tranh chấp biển Đông. Ông Vương Nghị nhấn mạnh Washington cố tình gieo rắc mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các nước ASEAN để gây xung đột và bất ổn khu vực.
Đáp lại, Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 15-7 khẳng định chính quyền Tổng thống Donald Trump bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông sau quá trình "xem xét pháp lý sâu rộng". Ngoài ra, ông Pompeo còn tuyên bố Washington sẽ hậu thuẫn những quốc gia bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền trên vùng biển tranh chấp này thông qua biện pháp ngoại giao, không phải quân sự.
Theo chuyên gia Lucio Blanco Pitlo III của Tổ chức Con đường tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương (APPPF), mặc dù giới chức theo đường lối cứng rắn ở Trung Quốc có thể xem tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo là khoét sâu mâu thuẫn, Bắc Kinh cần xem xét vì sao những hành động gần đây của Washington được nhiều nước ủng hộ.
Ông Pitlo III nhận định các nước ASEAN nhiều khả năng sẽ không công khai đứng về phía Mỹ vì không muốn ảnh hưởng xấu đến quan hệ với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của họ. Dù vậy, theo chuyên gia này, đây là thời điểm Bắc Kinh xem xét lại chính sách biển Đông. Bắc Kinh cần nhận ra rằng sự ngang ngược sẽ hủy hoại những thành tựu đã đạt được thông qua cơ chế xây dựng lòng tin và đàm phán trong nhiều năm qua.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein kêu gọi các nước Đông Nam Á giải quyết căng thẳng biển Đông thông qua giải pháp hòa bình. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta phải tránh xung đột quân sự… Malaysia cần mọi quốc gia ASEAN nhất trí về điều này. Hiện tại, dường như chúng ta đang có cùng quan điểm và đây là cách duy nhất để chúng ta đối mặt với Trung Quốc và Mỹ".