Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về diện tích trồng cao su, nhưng đứng thứ 3 về sản lượng cao su xuất khẩu nhờ năng suất dẫn đầu thế giới.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 7, Việt Nam xuất khẩu được 219,63 nghìn tấn cao su, trị giá 286,79 triệu USD, tăng 22,6% về lượng và tăng 20,6% về trị giá so với tháng 6/2023; So với tháng 7/2022 tăng 11,7% về lượng, nhưng giảm 10,2% về trị giá. Đây cũng là tháng mà lượng hàng xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay.
Tổng 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su đạt 986,49 nghìn tấn, trị giá 1,33 tỷ USD, tăng 0,3% về lượng, nhưng giảm 20,5% về trị giá.
Điều đáng nói là, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu cao su nhiều nhất của Việt Nam. Trong tháng 7, Trung Quốc chiếm 79,82% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 175,3 nghìn tấn, trị giá 226,26 triệu USD, tăng 27,6% về lượng và tăng 26,4% về trị giá so với tháng 6/2023. So với tháng 7/2022, sản lượng tăng 25% và tăng 2,7% về trị giá, đây là tháng thứ 6 liên tiếp lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc tăng so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 757,6 nghìn tấn cao su, trị giá trên 1 tỷ USD, tăng 12% về lượng, nhưng giảm 10,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Quốc gia này chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam cũng là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Trung Quốc, chỉ sau Thái Lan.
Mặc dù cao su tăng về lượng xuất khẩu nhưng giảm về giá trị là do giá xuống thấp. Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.291 USD/tấn, giảm 0,9% so với tháng 6/2023 và giảm 17,9% so với tháng 7/2022.
Ảnh: Cao su Việt Nam
Thị trường khó khăn cùng với giá thành sản phẩm giảm mạnh nên trong năm 2023, hầu hết các doanh nghiệp cao su lớn, đầu ngành tại Việt Nam đều đặt ra kế hoạch kinh doanh khác thận trọng.
Đơn cử như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục đạt tiêu doanh thu 27.527 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.264 tỷ đồng, lần lượt giảm 2,8% và 10,3% so với kết quả thực hiện năm 2022.
Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa cũng đặt mục tiêu năm 2023 đạt doanh thu công ty mẹ 1.813 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ hơn 487 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 47% so với mức thực hiện năm 2022.
Mục tiêu năm 2023 là đạt 329,6 tỷ đồng doanh thu và 19,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm gần 4% và tăng 3,5% so với năm 2022 là kế hoạch được Công ty cổ phần Cao su Bến Thành thông qua...
Ảnh: Người lao động
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc đang dần hồi phục được kỳ vọng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu cao su của Việt Nam trong các tháng tới.
Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG) dự báo mức tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu sẽ tăng 2,1% trong năm 2023. Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cho biết trong năm 2023, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu dự báo đạt khoảng 14,916 triệu tấn, tiêu thụ dự kiến đạt 14,912 triệu tấn. Như vậy có thể thấy, cán cân cung – cầu trên thị trường cao su thế giới nhiều khả năng sẽ nghiêng về thiếu hụt nguồn cung. Đây sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy đà tăng cho giá cao su.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Cao su Việt Nam, cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên ngày càng gay gắt cả về giá thành và chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, cơ cấu chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam lệ thuộc vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc và gặp khó khăn khi thâm nhập vào các thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật Bản…