Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng, việc một số nhân vật của Mỹ xem xét quan hệ Trung-Mỹ từ góc độ tư duy chiến tranh lạnh, cổ xúy bao vây gây sức ép đối với nước này là một trong những nguyên nhân quan trọng thách thức quan hệ Trung-Mỹ hiện nay.
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Uông Văn Bân khẳng định, Trung Quốc là lực lượng bảo vệ trật tự quốc tế và nước này sẽ không đi trên con đường cũ “cường quốc nhất định phải bá quyền”, mà đi trên con đường mới phát triển hòa bình và hợp tác cùng thắng.
Về quan hệ với Mỹ, ông Uông Văn Bân khẳng định, Trung Quốc mong muốn cùng Mỹ phát triển quan hệ không xung đột, không đối kháng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng, nước này cũng đốc thúc Mỹ từ bỏ tư duy chiến tranh lạnh và cách nhìn phiến diện về hình thái ý thức, đánh giá một cách chính xác quan hệ Trung-Mỹ, dừng ngay các hành động và lời nói gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ hai bên, cùng với Trung Quốc đưa quan hệ Trung-Mỹ trở về quỹ đạo đúng đắn hợp tác và ổn định.
Ông Uông Văn Bân nói: “Một số nhân vật của Mỹ đánh giá quan hệ Trung – Mỹ từ góc độ tư duy chiến tranh lạnh và cạnh tranh với tổng bằng không, cổ xúy bao vây Trung Quốc là một trong những nguyên nhân quan trọng thách thức quan hệ Trung-Mỹ hiện nay”.
Phản ứng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được cho là nhằm vào bài phát biểu mới đây được đăng tải trên trang web Bộ Quốc phòng Mỹ của Bộ trưởng Mark Esper khi cho rằng, Mỹ đang ở trong thời đại cạnh tranh nước lớn và đối thủ cạnh tranh chiến lược số 1 của Mỹ là Trung Quốc, sau đó đến Nga, tuy nhiên Trung Quốc phức tạp hơn. Ông Mark Esper cũng cho rằng, Trung Quốc hy vọng thay đổi trật tự thế giới được thiết lập từ chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây.
Trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ ông Thôi Thiên Khải trong bài trả lời phỏng vấn CNN mới đây cũng kêu gọi Trung Quốc và Mỹ cần nhận thức đầy đủ lợi ích của cả hai bên khi phải đối mặt với các thách thức chung toàn cầu ngày càng gia tăng, ông Thôi Thiên Khải nhấn mạnh, Trung-Mỹ không nên để sự nghi ngờ, sợ hãi, thậm chí thù hận chi phối chính sách ngoại giao của mình./.