Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có một tuyên bố bất ngờ khi cân nhắc quyết định rút 28.500 quân Mỹ hiện đang đóng quân tại Hàn Quốc, như một động thái thiện chí sau cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cách đây không lâu.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Jimmy Carter từng muốn rút hết quân ra khỏi Hàn Quốc nhưng đã không thành công.
Dẫu vậy, quyết định của ông Trump có thể sẽ một lần nữa bị cản lại bởi thế lực được gọi tên là “nhà nước ngầm” trong nội bộ nền chính trị Mỹ, giống như sự thất bại của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter trong quá khứ, theo The Diplomat.
Vào cuối những năm 1970, ý định rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên của Tổng thống Carter đã bị chặn bởi Quốc hội, Lầu Năm Góc và cộng đồng tình báo, bất chấp việc ông đã rất nỗ lực thực hiện lời hứa của mình trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 1976.
Sau sự việc hai binh lính Mỹ thiệt mạng trong khu phi quân sự cùng năm, Tổng thống Carter liên tục lên tiếng muốn rút 40.000 lính Mỹ (trong số đó chỉ có 15.000 lính chiến) đang đóng quân tại Hàn Quốc.
Ý định của ông Carter một phần xuất phát từ việc Mỹ không hài lòng với chính quyền Hàn Quốc Park Chung-hee về cách điều hành đất nước khắc nghiệt thời điểm đó.
Năm 1976, Seoul cũng trực tiếp liên quan đến vụ việc “Koreagate”, một vụ bê bối chính trị liên quan đến việc Hàn Quốc cố gắng hối lộ các thành viên của Quốc hội Mỹ để giành về các quyền lợi, ưu đãi to lớn.
Ngoài ra, động lực lớn hơn cả của Tổng thống Carter là việc Mỹ đã chi quá nhiều vào ngân sách quân sự trong cuộc chiến tranh Việt Nam, điều khiến công chúng Mỹ phản đối bất kỳ động thái gia tăng quân sự mới nào ở bên ngoài.
Khi ông Carter bước vào Nhà Trắng năm 1977, ông ngay lập tức ra lệnh cho kế hoạch loại bỏ tất cả các lực lượng bộ binh Mỹ ra khỏi Hàn Quốc cùng với khoảng 700 vũ khí hạt nhân được triển khai tại quốc gia này.
Ý định của ông Carter ước tính sẽ tiết kiệm được 2 tỷ USD cho Mỹ. Kế hoạch trên gặp phải sự phản đối gay gắt từ chính quyền Park, người bày tỏ sự giận dữ về việc Mỹ bỏ rơi đồng minh.
Tuy nhiên, không chỉ có người Hàn Quốc phản đối kế hoạch của tổng thống.
Đáng chú ý hơn, gần như toàn bộ cộng đồng chính sách đối ngoại của Mỹ, bao gồm cả các đơn vị quốc phòng và tình báo – mà ngày nay được mô tả như “nhà nước ngầm”, có quyền lực và tiếng nói đôi khi lấn át cả tổng thống - cũng như Quốc hội, đặc biệt là các thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Ủy ban Quân vụ, phản đối kế hoạch rút quân của ông Carter.
Trong đó, “nhà nước ngầm” chỉ trích ông Carter đang muốn xóa bỏ sự hiện diện của Mỹ ở Đông Á và làm mất uy tín của Mỹ như một đồng minh đáng tin cậy.
Sự thiện chí của ông Trump với Triều Tiên có thể sẽ bị "nhà nước ngầm" phá rối.
Quân đội Mỹ nói riêng là phe phản đối kế hoạch của Tổng thống một cách gay gắt nhất. Vào tháng 5/1977, Thiếu tướng John K. Singlaub, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng liên quân Mỹ-Hàn Quốc (USFK), gọi kế hoạch rút quân của Mỹ “sẽ dẫn đến chiến tranh”. Sau đó toàn bộ các quan chức cấp cao của quân đội đều cố gắng trì hoãn kế hoạch rút quân của Tổng thống Carter trong vòng 4 năm.
Đặc biệt hơn, kế hoạch của ông Carter hoàn toàn bị phá sản do một nhân vật có tên là John Armstrong, một sĩ quan quân đội làm việc cho tổ chức Nghiên cứu đặc biệt của Quân đội Mỹ. Cơ quan này đã buộc cộng đồng tình báo Mỹ đánh giá lại ước tính sức mạnh quân sự ở hai miền Triều Tiên.
Tính toán cho thấy, lực lượng xe tăng của Triều Tiên có sự lớn mạnh quá nhanh. Từ kết quả này, sự đồng thuận từ cộng đồng tình báo Mỹ đều cho rằng Triều Tiên có sức mạnh quân sự vượt trội so với Hàn Quốc. Quân đội có được một lập luận vững chắc để chống lại chính sách rút quân của tổng thống.
Phát hiện của cộng đồng tình báo cũng trở thành đề tài tranh cãi ở Quốc hội. Thượng viện đã từ chối thông qua chính sách rút quân của Tổng thống Carter. Ngoài ra, hai thượng nghị sĩ - Hubert H. Humphrey và John Glenn - đã viết một báo cáo quan trọng vào năm 1977 về sự cân bằng quân sự trên bán đảo Triều Tiên, chứng thực sự phát hiện của Armstrong và nói rằng “khi được đo lường bằng hỏa lực, sự cân bằng đã chuyển sang một lợi thế nhất định cho Triều Tiên vào năm 1977”.
Ủy ban Quân vụ Hạ viện cũng nhắc lại những phát hiện của Thượng viện trong một báo cáo cùng năm, nói rằng: "Triều Tiên có khả năng tấn công Hàn Quốc và Mỹ không nên rút quân”.
Tổng thống Carter kết thúc nhiệm kỳ vào năm 1981 và kế hoạch rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ diễn ra. “Nhà nước ngầm” đã kéo dài thời gian đủ lâu cho đến lúc nhà lãnh đạo Mỹ rời khỏi nhiệm kỳ 4 năm của mình.
Cuối cùng, mục tiêu theo đuổi của ông Carter chỉ đạt kết quả là khoảng 3.000 quân rời khỏi bán đảo Triều Tiên – nhưng trên thực tế đây chỉ là quyết định dừng chuyển quân xoay vòng.
Jimmy Carter vẫn còn hoài nghi về đánh giá của cộng đồng tình báo cho đến ngày nay. Trong một bài viết cách đây vài năm, ông viết: “Thời điểm đó, có rất nhiều quan hệ chặt chẽ giữa các nhà lãnh đạo quân sự ở hai nước (Mỹ và Hàn Quốc), vì vậy có rất nhiều áp lực (về quá trình hoạch định chính sách) đến từ Lầu Năm Góc và CIA. Tôi đã phần nào hoài nghi về báo cáo tình báo nói rằng Triều Tiên đã tăng gấp đôi quy mô quân sự của mình trong vòng vài năm nhưng không có cách nào bác bỏ chúng”.
Do đó, với việc Tổng thống Trump một lần nữa xem xét việc loại bỏ quân đội Mỹ khỏi bán đảo trong tương lai gần, rất có thể đã có một làn sóng phản đối từ “nhà nước ngầm” đang được hình thành.
Nhà Trắng sẽ cần có sự chuẩn bị tốt để tránh lặp sự thất bại của chính quyền tổng thống thứ 39 của Mỹ trong quá khứ.