"Thực tế cho thấy kiềm chế Trung Quốc là một nhiệm vụ bất khả thi, sẽ chỉ dẫn đến kết cục tự bắn vào chân mình" – người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nhấn mạnh.
Khẳng định quan hệ Mỹ - Trung "đang ở điểm xuất phát lịch sử mới", ông Khiêm kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden áp dụng tư duy "không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi".
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm. Ảnh: Sina
Căng thẳng Washington - Bắc Kinh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dưới thời chính quyền ông Biden, vốn đã triển khai nhiều nhóm chiến hạm – trong đó có một tàu sân bay Mỹ, đến biển Đông vào tuần rồi nhằm thực hiện các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải, thách thức yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc.
Trong tuần này, Washington đã tìm cách củng cố quan hệ với các đồng minh châu Á, tái khẳng định cam kết của chính quyền Tổng thống Biden về việc bảo vệ họ trong trường hợp nổ ra xung đột vũ trang liên quan đến các "điểm nóng" như biển Đông và biển Hoa Đông.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 28-1 khẳng định liên minh an ninh Mỹ - Nhật là "tàn tích của Chiến tranh lạnh", đồng thời nói rằng tranh chấp biển Đông cần được giải quyết giữa "những nước liên quan trực tiếp", không phải những nước ngoài khu vực.
Chiến đấu cơ F/A-18E đáp xuống tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt trong một chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải hôm 20-1. Ảnh: USINDOPACOM
Về phần mình, trong một tuyên bố cùng ngày, Lầu Năm Góc tái khẳng định sự ủng hộ dành cho những động thái tự vệ của đảo Đài Loan, nói rằng căng thẳng Trung Quốc - Đài Loan không nhất thiết phải dẫn đến những kịch bản như xung đột vũ trang, sau khi Bắc Kinh cảnh báo đòi độc lập cho Đài Loan "đồng nghĩa với chiến tranh".
Tuyên bố trên, đến từ người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby, là tuyên bố đầu tiên của quân đội Mỹ dưới thời Tổng thống Biden liên quan đến căng thẳng Trung Quốc - Đài Loan kể từ khi ông nhậm chức vào ngày 20-1.
Trung Quốc cảnh báo đòi độc lập cho Đài Loan "đồng nghĩa với chiến tranh". Ảnh: Reuters