Ảnh minh họa
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam trong tháng 11/2023 đạt 98,53 triệu USD, giảm 16,3% so với tháng 10/2023 nhưng tăng 12,6% so với tháng 11/2022.
Lũy kể 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,11 tỷ USD, tăng 7% so với 11 tháng năm 2022.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam ở nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu. Cụ thể trong 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 539,75 triệu USD, tăng mạnh 32,9% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 48,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc vẫn duy trì là nhà sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới với sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đạt 55,41 triệu tấn, trong năm 2022 - mức cao nhất kể từ năm 2014. Bên cạnh đó quốc gia này cũng là nhà cung cấp lớn các sản phẩm thịt gia cầm, trứng, sữa cho thế giới, bởi vậy ngoài sản xuất nội địa, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu mặt hàng này để phục vụ ngành chăn nuôi, trong đó có Việt Nam.
Campuchia là thị trường lớn thứ 2 của nước ta với 155,55 triệu USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ, chiếm 14% trong tổng kim ngạch. Malaysia xếp thứ 3 về kim ngạch, đạt 108,65 triệu USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo báo cáo Triển vọng nông sản Alltech năm 2023, sản lượng thức ăn chăn nuôi của Việt Nam trong năm 2022 đạt 26,72 triệu tấn, đứng thứ 8 thế giới. Trong cả năm 2022, xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc thu về hơn 443 triệu USD, tăng 16,93% so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 39,29% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam trong cả năm 2022.
Nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence đã chỉ ra rằng quy mô thị trường thức ăn chăn nuôi hỗn hợp của Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 11,54 tỷ USD vào năm 2023 lên 15,30 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,80% trong giai đoạn dự báo (2023-2028).
Báo cáo đánh giá thị trường thức ăn chăn nuôi của công ty nghiên cứu thị trường Việt Nam (VIRAC) cũng đã chỉ ra rằng với tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, trong đó có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia mở rộng kinh doanh sản xuất. Những cái tên như vậy có thể kể đến như: Cargill Group (Mỹ), Haid (Trung Quốc), CP Group (Charoen Pokphand Group – Thái Lan), De Heus (Hà Lan), BRF (Brazil), Mavin (Pháp), Japfa ( Singapore), CJ (Hàn Quốc),…
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, nhìn chung, khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành thức ăn chăn nuôi đó là năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.
Trong giai đoạn 2018 - 2022, nước ta nhập khẩu từ 18,6 đến 22,8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giá trị nhập khẩu dao động khoảng 6 - 8,9 tỷ USD với các nguyên liệu nhập khẩu chính gồm: ngô, khô dầu các loại, lúa mì, đạm động vật,... Ước tính nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu chiếm khoảng 65% tổng nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước.
Hiện nay giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm 2023, tuy nhiên vẫn duy trì mức cao so với thời điểm trước dịch Covid-19 và so với năm 2022. Dự kiến giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm tiếp tục có xu hướng giảm từ nay đầu năm 2024.