Để tăng cường chống tham nhũng trước Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kế tiếp “8 quy định Trung ương” và “6 cấm”, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc vừa công bố lệnh cấm rượu, yêu cầu không sử dụng rượu trong mọi cuộc tiếp đãi công vụ, kể cả rượu do cá nhân tự mang đi.
Tờ “Báo kiểm tra, kỷ luật, giám sát Trung Quốc” ngày 22/9 có bài viết phân tích về ý nghĩa sâu xa của thông báo cấm rượu, dẫn lời tự thú của nhiều quan chức ngã ngựa. Phần lớn họ cho biết tất cả đều bắt đầu “sa ngã” từ con đường “ăn uống”.
Theo quy định cấm rượu của Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, rượu bị cấm toàn bộ trong các đơn vị sự nghiệp hành chính thuộc hệ thống giao thông vận tải khi tiếp đãi thương mại, tiếp đãi công vụ trong nước, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, còn quy định nghiêm cấm “tiếp đãi vượt tiêu chuẩn”, tức là vượt quá quy định quản lý tiếp đãi công vụ trong nước của các cơ quan đảng, chính quyền.
Đồng thời, tiến hành cấm rượu trong các bữa tiệc khi tổ chức các hoạt động công vụ như các hội nghị, hoạt động khảo sát nghiên cứu, học tập - đào tạo, kiểm tra chỉ đạo, đánh giá chủ đề, nghiệm thu dự án. Khi tiếp đón đối ngoại, các đơn vị của hệ thống giao thông vận tải đều được yêu cầu thực hiện nghiêm túc các “quy định tiếp đãi đối ngoại”, đều bị cấm rượu.
Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc cũng vừa công bố 5 vụ án điển hình vi phạm tinh thần 8 quy định của Trung ương, trong đó vấn đề điển hình của từng vụ đều có liên quan đến “rượu”.
Quốc khánh và Tết Trung thu ở Trung Quốc sắp đến, trong khi đó Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng sắp được tổ chức. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương lựa chọn thời điểm này tiến hành thông báo chuyên đề tập trung đối với các vấn đề như mua sắm, sử dụng rượu đắt tiền sai quy định.
Trung Quốc ban hành lệnh cấm rượu. Ảnh: Dwnews
Trong các ngày lễ tết, không ít cán bộ đảng viên đã vi phạm quy định, mắc sai lầm trên bàn rượu với các bữa tiệc linh đình và “chén tạc chén thù” với bạn bè, đã phải trả giá đắt vì một bữa rượu không nên uống.
Vì vậy, việc công bố những vụ án điển hình cho công chúng sẽ có tác dụng “cảnh tỉnh” đối với đông đảo cán bộ đảng viên, thực hiện phương châm dự phòng.
Trên thực tế, mặc dù chịu sức ép cao, nhưng vẫn có một số cán bộ đảng viên vẫn để ngoài tai các lệnh cấm của Trung ương, không kiềm chế, vẫn ăn uống thả cửa bằng tiền công quỹ, hoặc uống rượu đắt tiền trong các cuộc tiếp đãi công vụ.
Trung Quốc còn công bố những thước phim sám hối của nhiều quan chức ngã ngựa như cựu Bí thư thành ủy Nam Kinh Dương Vệ Trạch, qua đó để nhắc nhở đội ngũ cán bộ đảng viên của họ chú ý giữ mình.
Trương Kiến Tân, cựu Bí thư đảng ủy Tập đoàn Y dược Thiên Tân tự nhận những sai lầm của bản thân ông bắt đầu từ các cuộc “giao lưu” trên bàn nhậu.
Vương Thiên Phổ, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) từng dùng tiền công quỹ để mời bạn học ăn uống, một bữa tiệc tiêu tốn hơn 40.000 nhân dân tệ (1 nhân dân tệ tương đương khoảng 0,1517 USD), đã uống 8 chai rượu Mao Đài, 7 chai rượu vang.
Tại Trung Quốc, một vấn đề rất đáng lo ngại là, “văn hóa bàn nhậu” một khi trở nên phổ biến và không thể kiểm soát thì không có lợi cho xây dựng tác phong trong đảng và chính quyền cũng như trong xây dựng môi trường xã hội.
Ông Trương Kiến Tân, cựu Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Y dược Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã.