Trong bối cảnh dịch cộng đồng đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn như hiện nay, Trung Quốc đã phải thành lập riêng một Nhóm công tác thuộc Cơ chế phối hợp phòng chống dịch của chính phủ, gồm đại diện của 15 ban ngành, nhằm kịp thời chia sẻ thông tin, nghiên cứu và thống nhất các sách lược, biện pháp phòng chống dịch trong đợt Xuân vận năm nay.
Bên cạnh các biện pháp phòng dịch thường xuyên, như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, xuất trình mã sức khỏe, hàng loạt các biện pháp khác cũng đã được đưa ra để hạn chế dòng người di chuyển, như sắp xếp lịch nghỉ xen kẽ cho sinh viên và người lao động; đăng ký thông tin khi mua vé tàu xe, máy bay; hạn chế lượng khách trên mỗi chuyến tàu hoặc máy bay...
Theo “Phương án công tác phòng chống dịch Covid-19 ở khu vực nông thôn vào mùa Đông Xuân” vừa được Trung Quốc công bố mới đây, từ ngày 28/1 đến hết đợt Xuân vận, người về từ tỉnh, thành khác phải có kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính trong vòng 7 ngày và theo dõi y tế tại nhà 14 ngày. Trong thời gian theo dõi, những người này sẽ tiếp tục phải tiến hành xét nghiệm vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14 sau khi về.
Với những người về từ vùng có nguy cơ và nguy cơ cao, hoặc làm việc trong những lĩnh vực có nguy cơ lây nhiễm cao, thậm chí phải có giấy xét nghiệm trong vòng 3 ngày, theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc tập trung 14 ngày.
Các làng xã ở nông thôn phải chia khu, như các ô lưới, đồng thời bố trí lực lượng liên ngành gồm cán bộ, nhân viên y tế và cảnh sát địa phương theo dõi, kịp thời nắm bắt thông tin, giám sát y tế những người từ tỉnh, thành khác về.
Phản ứng của người dân
Đoàn tụ trong dịp Tết từ lâu đã là phong tục và mong mỏi của người dân Trung Quốc. Trên thực tế, vẫn có nhiều người có nhu cầu trở về quê hương vào dịp này, do vậy mới có con số dự báo 1,7 tỷ lượt người như cơ quan chức năng nước này đưa ra.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, nhiều địa phương đã khuyến cáo, thậm chí đưa ra những chính sách cụ thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động ở lại nơi làm việc trong dịp Tết.
Qua quan sát và tìm hiểu của chúng tôi, người lao động ngoại tỉnh ở nhiều nơi, đặc biệt là những vùng đang có dịch cộng đồng ở Trung Quốc về cơ bản phối hợp với chính quyền sở tại và nơi làm việc, chấp nhận ăn Tết tại chỗ. Bởi trên thực tế, việc di chuyển đi lại chắc chắn sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, đây là điều mà bất cứ ai cũng không mong muốn.
Hơn nữa, nhiều cơ quan, đơn vị ở nước này cũng đưa ra các quy định rất chặt chẽ đối với người lao động. Nếu không có lý do chính đáng, có thể họ sẽ không được giải quyết để về quê ăn Tết. Khi về họ lại phải đáp ứng nhiều điều kiện và quy định phòng dịch của trung ương và địa phương, khiến sinh hoạt và đi lại của họ gặp khá nhiều khó khăn, trở ngại. Do vậy, nhìn chung, nếu không nhất phải di chuyển thì đa phần người dân đều chọn ở đâu ăn Tết ở đó, để tránh những phiền phức và rủi ro không đáng có./.